Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 13/9, bão số 10 (tên quốc tế Doksuri) di chuyển khá nhanh. Lúc 10h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530 km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 9 (75 đến 90 km/h), giật cấp 12.
Ngày và đêm nay, bão di chuyển 15-20 km/h theo hướng tây chếch bắc và tiếp tục mạnh thêm. Sáng 14/9, bão Doksuri nằm trên vùng phía đông quần đảo Hoàng Sa, đạt cấp 11 (100-115 km/h), giật cấp 14.
Bão mạnh nhất trong nhiều năm
Ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực bắc và giữa Biển Đông có khả năng mưa rào và dông mạnh, kèm bão mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11. Trong khoảng 2-3 ngày tới, bão đi theo hướng tây chếch bắc, với vận tốc 20 km/h.
Theo cơ quan khí tượng, điều đáng lo ngại là cơn bão ngày càng mạnh thêm khi vào gần bờ. Sáng 15/9, khi cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 240 km, bão có thể mạnh tới cấp 13, giật cấp 15.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn ứng phó bão số 10, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho hay, đây là cơn bão rất mạnh, cường độ bão cấp 13, sức gió giật cấp 15, bán kính bão rộng 150-200 km.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão có thể đổ bộ vào Bắc Trung Bộ. Ảnh: NCHMF. |
Sáng 13/9, các đài dự báo trên thế giới điều nhận định bão đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Tối 15 sáng 16/9, bão ảnh hưởng trực tiếp vào bờ và duy trì ở cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Khu vực ảnh hưởng cấp 12 từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, vùng ảnh hưởng cấp 8 trải dài từ Nam Định đến Thừa Thiên - Huế.
Bão dự kiến gây mưa lớn tập trung từ trưa 15 đến chiều 16/9 ở đồng bằng Bắc Bộ đến Thừa Thiên - Huế. Nghệ An đến Quảng Bình mưa trên 300 mm, các vùng khác 50-100 mm.
"Đây là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất từ vài ba năm trở lại đây, cấp độ thiên tai là cấp 4, cấp cao nhất từ trước đến nay", ông Cường cho biết.
Cấm biển từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa
Trong khi đó, đại diện Bộ Tư lệnh biên phòng cho hay, từ chiều 12/9, cơ quan này đã có công điện gửi tới các đơn vị biên phòng thông báo ngư dân, kiểm đếm tàu thuyền.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cơn bão cường độ mạnh, phạm vi lớn kèm theo mưa lớn. Điều đáng lo là bão di chuyển vào vùng đang có nhiều tàu thuyền hoạt động. Khu vực đổ bộ là miền núi dốc...
Hồ thủy điện Sơn La còn hơn 1 mét nước so với mực nước cho phép, hồ Hòa Bình chỉ còn nửa mét so với mực nước cho phép. "Chúng ta phải chuẩn bị cho việc vận hành liên hồ chứa, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung", ông Hoài nói.
Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu công tác dự báo yêu cầu cơ quan khí tượng bám thật chặt, cập nhật thường xuyên. Công tác chỉ đạo ứng phó yêu cầu khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Cường yêu cầu từ 14/9, yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cấm biển; neo đậu phương tiện, tàu vãng lai...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xả 2 cửa đáy ở hồ Sơn La, hồ Hòa Bình xả 3 cửa đáy, phát điện tối đa tất cả tổ hợp cả ngày và đêm. Các hồ thủy lợi cần được kiểm tra toàn bộ, những hồ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên gia cố kịp thời, không để xảy ra sự cố.