Gặp chị Nguyễn Thị Huyền Trang mẹ của cháu Viên Thế Long (10 tháng tuổi, Thanh Liêm, Hà Nam) đang điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức.
Chị Trang vẫn chưa hết bàng hoàng sau tai nạn xảy ra với con mình. Chị Trang cho biết, tai nạn xảy ra khi chị đang đưa con và cháu gái sang nhà bà ngoại cách nhà 2 km. Hàng ngày, chị vẫn cho cháu Long đứng trước khung xe máy. Vì nghĩ nhà bà gần ngay đó nên chị chủ quan. Ngồi phía sau là cháu gái của chị Trang đã 4 tuổi.
Chị Trang kể bình thường chị vẫn cho cháu đứng thế. Khi đi đến đến chân dốc chuẩn bị lên cầu thì bị vướng xe nên đột ngột phanh gấp, chống chân khiến cháu Long bị văng ra ngoài. Đúng lúc chiếc xe tải chở rác lao tới, cán phải. Chị Trang vô cùng ân hận khi gián tiếp gây ra tai nạn cho con. Cứ nhìn vào tay con, nước mắt người mẹ lại rơi lã chã.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, bé Long được người đi đường đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu, sau đó được chuyển lên Viện Đức ngay trong đêm trong tình trạng hết sức nguy kịch.
BS Vũ Tiến Hưng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết cháu Long nhập viện lúc 20h ngày 13/10 trong tình trạng hết sức nguy kịch do sốc đa chấn thương, dập nát cánh cẳng tay phải.
Kíp bác sĩ do PGS.TS Ngô Văn Toàn phụ trách đã nỗ lực cứu cánh tay bé nhưng cuối cùng vẫn phải cắt 1/3 cánh tay phải.
"Nếu quyết giữ lại cánh tay, cháu bé sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng do nhiễm trùng. Tuy nhiên đây là trường hợp hết sức may mắn khi cháu bé chỉ bị xe rác cán qua một phần cơ thể và hình ảnh chụp chiếu phần hộp sọ không bị ảnh hưởng gì. Hiện sức khỏe của cháu Long tiến triển tốt, nếu không có gì thay đổi trong vòng 5-7 ngày nữa có thể xuất viện".
Trên thực tế, vẫn có rất nhiều ông bố, bà mẹ chủ quan trong quá trình chở con tham gia giao thông. Nhiều bậc phụ huynh thản nhiên cho rằng, việc mình để con ngồi sau kèm theo lời nhắc nhở "con ngồi im"; "ôm chặt lấy mẹ"; "không được ngủ gật"... là trẻ sẽ nghe lời và không thể gặp sự cố gì. Nhưng thực tế tại các bệnh viện vẫn tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi bị thương tích do tai nạn giao thông chủ yếu do bất cẩn của cha mẹ.
Hiện nay, nhiều phụ huynh nghĩ đoạn đường từ trường về nhà có một đoạn ngắn, nên chủ quan không đeo đai cho con dẫn đến tai nạn cho bé.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 830.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong vòng 6 năm (2005 - 2010), mỗi năm có hơn 7.300 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, bình quân khoảng 20 em/ngày. Riêng TP.HCM, mỗi năm, tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 200 trẻ trong độ tuổi 1-14. Đáng báo động là số ca chết do tai nạn này năm sau thường cao hơn năm trước. Địa điểm xảy ra tai nạn chủ yếu tại nhà, trên đường đi, ở trường học,…
Chi phí cho việc điều trị, phục hồi chức năng, tử vong và mất khả năng lao động ở Việt Nam rơi vào khoảng 30 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó riêng cho trẻ em ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng/năm.