Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Còn chênh lệch điểm thi và học bạ, vẫn chưa thể bỏ thi tốt nghiệp

Theo chuyên gia, chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ không lớn, các trường ĐH có thể yên tâm xét tuyển theo học bạ nhưng khi còn chênh lệch, chưa thể bỏ kỳ thi.

Bộ GD&ĐT vừa công bố báo cáo so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương.

Theo đó, về cơ bản, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020. Nhiều môn ở nhiều tỉnh/thành phố có chênh lệch chỉ trên dưới 1 điểm.

chenh lech diem thi va diem hoc ba anh 1

Qua phân tích phổ điểm và đối sánh trung bình điểm học bạ lớp 12 và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng có thể thấy điểm thi và điểm học bạ có sự khác biệt không lớn. Một vài địa phương ở một số môn có chênh lệch 1-2 điểm. Điều này giúp các trường đại học xét tuyển đầu vào bằng học bạ có thể yên tâm sử dụng phương thức này.

Phân tích cụ thể đối sánh điểm thi và học bạ của từng môn, thầy Đức cho rằng môn Toán và Ngữ văn có độ chênh lệch giữa điểm thi với điểm học bạ của tất cả các địa phương là tương đối thấp. Độ chênh với môn Toán cao nhất là 1,6 điểm, môn Văn là 1,4, nhưng số lượng địa phương có mức chênh lệch này rất ít.

Trong khi đó ở các môn khác, một số địa phương tương đối ổn định, nhưng có địa phương lại chênh lệch điểm thi và học bạ lớn. Điều này cho thấy trên cả nước, 2 môn Toán, Văn vẫn được chú trọng trong dạy học nhiều nhất.

Còn theo TS Lê Thống Nhất, rất nhiều tỉnh thành khi đối sánh điểm học bạ và điểm thi thì cho kết quả là trùng khít. Điều này có nghĩa không phải lúc nào điểm học bạ cũng cao hơn điểm thi, mặc dù với môn Giáo dục công dân thì điểm thi lại cao hơn điểm học bạ rất nhiều. Đương nhiên vẫn có địa phương điểm học bạ và điểm thi chênh nhau đến hơn 3. Điều này cho thấy việc đánh giá học sinh ở các trường phổ thông trên tỉnh thành này cần có sự thay đổi.

"Còn chênh lệch điểm thi và học bạ thì còn chứng tỏ chúng ta không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi nào điểm thi trùng điểm học bạ thì mới bỏ được kỳ thi, nhưng đích đó còn khá xa mới có thể thực hiện được", TS Lê Thống Nhất nói.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học FPT, cho rằng điểm khá hay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 năm nay là Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh điểm thi và điểm học bạ.

"Tất nhiên bao giờ cũng có chuyện lệch trong đối sánh này, nhưng cái hay là mức chênh lệch giữa trung bình điểm học bạ lớp 12 và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay so với năm trước hầu như tương đồng với nhau. Ví dụ năm 2020, chênh lệch điểm của Bình Dương rất ít, năm nay cũng vậy. Một số tỉnh có độ chênh nhiều, năm nay nhìn chung cũng vẫn nằm trong danh sách địa phương có độ lệch cao. Điều này rất dễ cho các trường đại học khi xét tuyển bằng học bạ. Điểm chênh lệch này giống như 1 hệ số điều chỉnh, các trường hoàn toàn có thể dựa vào đó để điều chỉnh cho phù hợp", TS Lê Trường Tùng nói.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), cho rằng kết quả đối sánh điểm thi với học bạ lớp 12 của học sinh năm nay có độ chênh lệch tương đối ít. Điều này giúp các trường đại học tuyển sinh bằng xét học bạ có thể yên tâm khi sử dụng phương thức này và cân nhắc lựa chọn tiếp phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ trong tương lai.

Chênh lệch điểm trung bình thi tốt nghiệp và học bạ lớp 12

Mức chênh lệch giữa điểm trung bình thi tốt nghiệp và điểm trung bình học bạ lớp 12 ở môn Lịch sử, Sinh học đều lớn hơn 2.

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/con-chenh-lech-giua-diem-thi-va-diem-hoc-ba-thi-van-chua-the-bo-thi-tot-nghiep-877575.vov

Nguyễn Trang / VOV

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm