Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, Global Times về vấn đề cha mẹ ở Trung Quốc tin mù quáng vào các nền tảng nuôi dạy con cái không xác thực trên mạng, sau sự việc em bé 3 tháng tuổi tử vong do ngạt thở lúc ngủ.
Giữa tháng 4, một bà mẹ đến từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã đặt con mình nằm ngủ sấp trong nôi, sau đó ra ngoài livestream với người hướng dẫn và những thành viên khác trong nhóm nuôi dạy con trực tuyến.
Kỹ thuật ngủ úp mặt cũng được quảng bá trong nhóm chat này.
Vì khó thở, đứa trẻ đã khóc suốt 1 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, người phụ nữ liên tục xin lời khuyên trong nhóm. Các thành viên khác nói cô nên để cho con tự nín khóc. Sau 2 tiếng vật lộn, đứa bé được phát hiện không còn thở.
Đứa trẻ phải nằm sấp suốt 2 tiếng đồng hồ và qua đời do ngạt thở. Ảnh: Kankanews. |
Mù quáng tin "chuyên gia rởm"
Vụ việc trên đã tạo ra làn sóng tranh cãi dữ dội trên các diễn đàn ở Trung Quốc. Đa số dân mạng đều chỉ trích diễn đàn này đã đưa ra lời khuyên sai, không chuyên nghiệp và nghi ngờ về trình độ chuyên môn của những người tự xưng là “chuyên gia”.
Một số khác đổ lỗi cho người mẹ quá bất cẩn và nhẹ dạ cả tin. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người thông cảm với cô.
Được biết, nếu muốn tham gia nhóm này, mỗi thành viên phải đóng hơn 1.000 nhân dân tệ (140 USD). Họ được cam kết sẽ có những kỹ thuật giúp cho em bé có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Sau vụ việc trên, người mẹ này đã đăng tải toàn bộ ảnh chụp màn hình tin nhắn trong nhóm trò chuyện lên mạng.
Nhiều phụ huynh, dân mạng đã lên tiếng phẫn nộ trước hành động vô trách nhiệm của công ty trên. Ảnh: Time Magazine. |
Hiện Cơ quan Quản lý thị trường Thượng Hải đã vào cuộc điều tra.
“Công ty này được đăng ký ở Jinshan nhưng không có văn phòng tại đây. Chúng tôi đã liên lạc với đại diện pháp lý của công ty nhưng anh ta nói đang ở Mỹ và chưa cung cấp thông tin người liên lạc để giúp đỡ quá trình điều tra”, Song Bin, Phó giám đốc Cơ quan Giám sát người tiêu dùng quận Jinshan, nói với Global Times.
Trước các lời chỉ trích về hoạt động trái phép, người thành lập nhóm đã phủ nhận cái chết của đứa bé có liên quan đến mẹo nuôi dạy con của cô.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, trong một bài đăng trên Weibo (hiện đã bị xóa), người này nói rằng cô đã cảnh báo các bậc cha mẹ về rủi ro kỹ thuật, bao gồm cả ngạt thở.
Trẻ em phải được nằm đúng cách để tránh các rủi ro về sức khỏe. Ảnh: Shutterstock. |
Tuy nhiên, một cựu thành viên của nhóm tố cáo công ty này đã đánh lừa khách hàng của mình.
“Tôi nghĩ rằng các mẹ bỉm sữa, bao gồm cả tôi, đã quá lo lắng cho con mình. Không thể lúc nào cũng khiến em bé ngủ, dù đó là ngày hay đêm. Điều có thể dẫn đến cảm xúc của bé bị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao chúng tôi tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhóm này”, một thành viên bày tỏ với The Paper.
Theo lời khuyên của các bác sĩ nhi khoa, không nên để trẻ ngủ ở tư thế nằm sấp vì có thể gây ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Hoạt động trái phép
“Dựa theo trang đăng ký kinh doanh của công ty này, phạm vi kinh doanh của họ không bao gồm bất cứ điều gì liên quan đến nuôi dạy trẻ em. Vì vậy, họ không đủ điều kiện để tổ chức khóa đào tạo giấc ngủ cho trẻ sơ sinh”, Zhang, luật sư tại Công ty luật Thượng Hải Shenya, nói với Sixth Tone.
Trong những năm gần đây, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ nhiều nền tảng về mẹo nuôi dạy con cái cho các phụ huynh trẻ hoặc những người sắp làm bố mẹ. Theo báo cáo của iiMedia Research, số lượng người dùng trên các nền tảng này dự kiến sẽ đạt đến 230 triệu người trong năm nay.
Các chuyên gia cho rằng những trang web thiếu thông tin xác thực có thể gây hại cho trẻ em. Ảnh: EPA. |
Liu Kun, tiến sĩ giáo dục mầm non, người sáng lập nền tảng Super Early Childhood Education Experts, chia sẻ với Sixth Tone sự cố như cái chết của trẻ sơ sinh trong vụ việc trên đã phản ánh mặt tối của các nền tảng kinh doanh trực tuyến ở Trung Quốc với hy vọng kiếm tiền nhanh chóng.
“Thị trường của các nền tảng này là sự pha trộn giữa tốt và xấu. Mặc dù có một số người có nền tảng lý thuyết vững chắc và có trách nhiệm xã hội, nhưng theo tôi thấy đa số đều không có kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm”, Liu bày tỏ quan điểm.
Theo tiến sĩ Liu, những người vận hành của các nền tảng này chỉ tham gia nhiều khóa học cấp tốc để lấy giấy chứng nhận với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ. Liu cho rằng các doanh nghiệp như vậy có xu hướng tập trung nhiều vào tiếp thị và ít cung cấp thông tin có cơ sở khoa học cho thành viên của họ.
“Các nền tảng nuôi dạy con cái có mục tiêu hướng đến cha mẹ và trẻ em cần phải có sự giám sát và quy định chặt chẽ hơn. Những điều quan trọng như giáo dục đòi hỏi sự thận trọng đặc biệt, đó không phải là điều mà bất cứ ai cũng có thể làm”, Liu nói thêm.