Sự nhanh trí của ông Zhuang giúp người khác biết tới ứng cứu. |
Ngày 12/4, người đàn ông họ Zhuang (ở Đài Loan, Trung Quốc) bị ngã, rơi từ độ cao khoảng 10 m xuống hẻm núi khi một mình leo núi ở ngoại ô thành phố Phượng Thành (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).
Ông bị thương ở chân phải và không thể đi lại được. Không có điện thoại, ông thậm chí không thể gọi trợ giúp từ địa điểm bị cô lập. Tuy nhiên, ông Zhuang không từ bỏ hy vọng, cố gắng tự cứu mình, theo South China Morning Post.
Quan sát xung quanh, ông phát hiện một đường ống cung cấp nước cho những người dân sống gần đó, cùng một loại cây khoai môn khổng lồ có thân dày, chắc chắn và lá to.
Từng là thợ sửa ống nước, ông Zhuang nảy ra một ý tưởng. Ông dùng con dao gấp Thụy Sĩ mang theo bên mình cắt ngang ống nước, lấy thân cây khoai môn chặn lại, làm gián đoạn nguồn cung cấp nước.
10 ngày sau khi ông Zhuang bị ngã, dân làng gần đó nhận ra có vấn đề ở đường ống nước nên tới kiểm tra và phát hiện người đàn ông đang mắc kẹt. Sau khi được thông báo, đội cứu hộ cứu nạn địa phương đã tới đưa Zhuang xuống núi.
Khi đó, ông vẫn tỉnh táo, sinh hiệu ổn định và được điều trị vết thương ở chân phải và hông trái tại bệnh viện.
Sau khi câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội, hành động kêu cứu thông minh của ông Zhuang nhận nhiều lời tán thưởng.
"Phương pháp tự cứu mình của ông ấy thật đáng kinh ngạc. Nếu là tôi, tôi sẽ chỉ uống nước mỗi ngày. Sẽ chẳng có ai biết để đến giải cứu tôi", một dân mạng viết.
"Ông ấy thật thông minh, nhanh trí", một người khác khen ngợi.
Theo Sở cứu hỏa địa phương, những người leo núi, đi bộ đường dài được khuyến cáo không nên đi một mình, luôn mang theo các thiết bị liên lạc có chất lượng tín hiệu tốt và trang bị cho mình đèn đeo trán, quần áo ấm và áo mưa.
Năm 2022, một người đàn ông ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) cũng bị mắc kẹt trên núi suốt 17 ngày sau một trận động đất. Anh sống sót bằng cách uống nước rêu và ăn trái kiwi dại, những kỹ năng anh học được từ chương trình truyền hình sinh tồn Man vs. Wild của Bear Grylls.
Năm 2018, một phụ nữ Hàn Quốc sống sót sau 6 ngày ở vùng hoang dã của Australia sau khi rơi từ vách đá dựng đứng. Cô cố giữ cơ thể ấm, khô ráo trong chiếc áo mưa và cuối cùng đã báo hiệu được cho trực thăng tìm kiếm.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.