Curacao, đất nước có ĐTQG chuẩn bị thi đấu với ĐT Việt Nam tại King's Cup, sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc với những rạn san hô khỏe mạnh và nhiều động vật hoang dã lạ kỳ. Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn cả với các du khách lần đầu đặt chân đến quốc đảo này là những căn nhà san sát nhau ở thủ đô Willemstad. Khu vực này mang đủ màu sắc chẳng khác gì một Cinque Terre (Italy) thứ hai. |
Người dân địa phương vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện khác nhau liên quan tới nguồn gốc của những ngôi nhà rực rỡ ở Willemstad. Dù vậy, giả thuyết nổi tiếng và được công nhận hơn cả là câu chuyện về thống đốc Albert Kikkert. |
Từ thế kỷ 16, Curacao đã trở thành vùng đất thu hút nhiều nhà thám hiểm. Đến năm 1634, người Hà Lan nhận thấy tiềm năng phát triển lâu dài của hòn đảo nên đã biến nơi đây trở thành một phần lãnh thổ của vương quốc. Những ngôi nhà bắt đầu được dựng lên trên các lô đất hẹp. Để tối đa hóa diện tích, họ xây nhà san sát nhau với nguyên liệu chính là thạch cao, khiến mặt tiền mang màu trắng xóa. |
Những ngôi nhà trắng có sự cộng hưởng kỳ lạ với ánh nắng chói chang ở vùng Caribbean đôi khi khiến người ta cảm thấy hơi khó chịu. Thống đốc Albert Kikkert của Curacao mắc một chứng bệnh lạ. Albert thường xuyên bị đau đầu dữ dội và ông tin rằng chính sự phản chiếu ánh nắng qua những bức tường trắng là nguyên nhân. |
Sau đó, Albert ra lệnh toàn bộ các căn nhà đang có màu trắng phải sơn lại. Cũng từ đây, căn bệnh của thống đốc thuyên giảm và ông dần khỏe mạnh trở lại. Tuy nhiên, người dân đảo sau đó phát hiện ra Albert là một cổ đông lớn của cửa hàng sơn duy nhất Curacao. Điều này khiến người ta nghi ngờ căn bệnh đau đầu của ông chỉ là mánh khóe để Albert "móc tiền" của dân đảo. |
Sự thật được tìm ra nhưng người dân Curacao cũng không có ý định trả lại màu trắng nguyên thủy. Lâu dần, những căn nhà rực rỡ này trở thành một nét đẹp đặc trưng của thủ đô Willemstad được du khách đến Curacao yêu thích. |
Những công trình này còn giúp Willemstad được UNESCO công nhận là Thành phố Di sản của Thế giới. Tuy nhiên, do vị trí nằm trong vùng hay xảy ra bão nên các căn nhà cũng thường xuyên phải được tu sửa để bảo tồn vẻ đẹp trong quá khứ. |