Từ năm 2015 đến nay, khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, phương thức tuyển sinh có nhiều thay đổi.
Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), ngoài sử dụng kết quả thi THPT quốc gia (nay là tốt nghiệp THPT), các trường còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác như xét tuyển.
Phương thức xét tuyển bằng học bạ giúp thí sinh giảm áp lực thi cử, rộng cửa vào đại học. Ảnh: UEF. |
Nhiều phương thức xét tuyển, tăng cơ hội vào đại học
Các phương thức phổ biến gồm xét tuyển kết quả điểm kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả kỳ thi riêng do các trường tự tổ chức, học bạ THPT, xét tuyển thẳng.
Một số trường sử dụng kết hợp xét tuyển giữa điểm thi THPT quốc gia, điểm thi đánh giá năng lực và điểm học bạ.
Thầy Nguyên thông tin tại UEF, từ năm 2015 đến nay, ngoài phương thức xét tuyển chủ yếu là dựa vào kết quả thi THPT quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT), trường còn căn cứ vào điểm thi Đánh giá năng lực, điểm tổ hợp 3 môn ở lớp 12 để tuyển sinh.
Năm nay, UEF bổ sung phương thức xét tuyển học bạ THPT dựa vào điểm trung bình 5 học kỳ với điều kiện điểm từ 30 điểm trở lên. Hiện tại, trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT đến ngày 20/8.
“Việc thay đổi, bổ sung phương thức tuyển sinh tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở trường, đam mê, sở thích, phát huy giá trị hành nghề của mình trong tương lai”, thầy Phạm Doãn Nguyên nhận định.
Theo thầy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng tất cả phương thức. Như vậy, các em có nhiều cơ hội trúng tuyển.
Thầy nói thêm thí sinh không cần phải lo lắng khi trúng tuyển bằng các phương thức khác nhau vì khi học, trường không phân biệt sinh viên thi vào theo phương thức nào.
Thầy khẳng định tại UEF, dù xét tuyển bằng phương thức nào, sinh viên trúng tuyển đều học chung, hưởng thụ dịch vụ chăm sóc, học lớp tiếng Anh dự bị như nhau, giá trị bằng cấp, cơ hội nhận học bổng tuyển sinh tương đương. Vì thế, các em hoàn toàn an tâm để lựa chọn phương thức xét tuyển ít áp lực và phù hợp với bản thân.
Năm nay, trong bối cảnh việc học gián đoạn vì dịch Covid-19, nhiều thí sinh chọn xét tuyển dựa vào học bạ THPT. Thầy Nguyên đánh giá phương thức xét tuyển này có nhiều lợi thế và phù hợp với tình hình thực tế.
Nó giúp các em giảm áp lực thi cử, chủ động sử dụng kết quả điểm đã biết để chọn ngành học, trường học phù hợp. Ngoài ra, thí sinh có thể biết kết quả trúng tuyển và nhập học sớm hơn so với một số phương thức khác. Đồng thời, xét tuyển học bạ cho người học cơ hội lựa chọn ngành, bậc, trường học rộng mở hơn.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh UEF, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NVCC. |
Xác định ngành trước, lựa chọn phương thức xét tuyển sau
Đường vào đại học rộng mở song học sinh cần lựa chọn phương thức phù hợp để chọn, trường ngành thích hợp.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho rằng hiện nay, thí sinh không quá lo “rớt” đại học mà lại lo chọn sai ngành, trường học.
“Quan trọng, các em xác định rất rõ không phải vào đại học bằng mọi giá mà phải căn cứ vào phẩm chất cá nhân, tính vừa sức của mình để chọn ngành, bậc, trường học phù hợp”, thầy Nguyên nhấn mạnh.
Để chọn ngành nghề phù hợp, thí sinh nên có sự tham chiếu từ cha mẹ, anh chị, người thân, giáo viên, cựu sinh viên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, những người trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mình sẽ chọn hay các kênh truyền thông, báo chí uy tín.
Các bài trắc nghiệm tính cách như HOLLAND, MBTI cũng là cơ sở để xem xét tố chất, tính cách phù hợp với ngành nghề.
Nguyên tắc chọn ngành nghề là người học phải xác định công việc và nghề cụ thể trước rồi mới chọn ngành học, bậc học, trường học, phương thức tuyển sinh và tổ hợp môn xét tuyển.
“Học sinh phải luôn nhớ rằng không có ngành nghề hot chỉ có con người hot trong lĩnh vực ngành nghề đó mà thôi. Vì vậy, các em đừng bao giờ bị ám thị bởi hào quang của người khác mà chọn sai ngành học, để rồi uổng phí công sức, tiền bạc, thời gian của mình”, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh UEF lưu ý.
Thầy nói thêm năm học 2019-2020 đầy biến động, ảnh hưởng đến việc học, tâm lý của thí sinh. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra, các em vẫn phải chọn ngành nghề để học và phát triển trong tương lai.
Vì vậy, thầy Nguyên hy vọng dù bất cứ lý do gì, sĩ tử cũng cần chuẩn bị hành trang tốt nhất để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào ngành học trường học phù hợp.
Thầy nhắn nhủ thí sinh cần ôn tập kỳ, đồng thời chăm lo sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái để có kỳ thi tốt nghiệp THPT thuận lợi, hiệu quả.
ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM là đơn vị đồng hành cùng Zing thực hiện tuyến nội dung “Tiếp sức mùa thi 2020”, nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử trước thềm “vượt vũ môn”.
Năm 2020, UEF thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và dành hơn 50 tỷ đồng mỗi năm để trao học bổng cho tân sinh viên các suất từ 25%, 50% đến 100% học phí.
Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ 50% thời lượng học tập tiếng Anh, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho mọi sinh viên trúng tuyển bất kể phương thức nào. Thí sinh tham gia xét tuyển vào trường đăng ký tìm hiểu thông tin tại đây.