Những năm gần đây, trào lưu xăm hình phát triển khá mạnh mẽ trong giới trẻ, đặc biệt là nữ giới. Xung quanh vấn đề này, nhiều người cho rằng, con gái xăm hình là biết thể hiện cá tính nhưng cũng có rất nhiều người thành kiến: "Gái hư mới xăm hình".
Xăm hình là trào lưu của giới trẻ trên khắp thế giới. |
GS - TS. Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam) lại cho rằng: "Con gái xăm hình là những người có cá tính mạnh mẽ. Họ muốn đi tìm điều khác lạ trong cái chung của xã hội".
Xăm hình là làm mới cái cũ
Theo GS. TS Thịnh, việc xăm hình trên cơ thể xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại. Nó đánh dấu sự trưởng thành của con người, cũng trường hợp tạo sự khác biệt giới tính.
Ông nêu ví dụ: "Có dân tộc chỉ xăm cho nam giới. Những người xăm được quyền lấy vợ dễ hơn". Hay như dân tộc Mảng - Lai Châu xem tục xăm cằm là một nét văn hóa cổ xưa. Hình xăm đó là biểu hiện của tâm linh - là người có đức tính hiền dịu, đảm đang. Nếu trưởng thành không xăm cằm, người đó bị chê, xem như hành động đi ngược phong tục tập quán.
“Xăm hình ngày nay là cái mới của điều cũ, không phải mới hoàn toàn”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho biết thêm, trước kia chỉ đàn ông mới có thể xăm hình, phụ nữ thì không. Đó là khuôn phép, xu hướng chung của cộng đồng.
Nhưng ngày nay xã hội phát triển, phụ nữ nhìn nhận thoáng hơn trong việc thể hiện cái tôi của mình. Xu hướng luôn thay đổi nên phụ nữ hiện đại cũng thích xăm hình.
Theo GS - TS Thịnh, việc phái nữ xăm hình được quyền thể hiện sự thích thú, cá tính của mình và điều này cho thấy rằng, họ đang có sự bình đẳng trong xã hội.
GS. TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, không nên đánh giá phụ nữ qua hình xăm. |
Không nên đánh giá phụ nữ qua hình xăm
GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng: "Không đủ căn cứ để đánh giá tính cách, phẩm hạnh của phụ nữ qua hình xăm".
Phái nữ xăm quả thực có sự phá cách. Họ đã vượt qua giới hạn để bộc lộ sự cởi mở của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào hình xăm trên cơ thể để đánh giá con người họ hư hỏng, đầu trộm đuôi cướp là hoàn toàn không chuẩn xác.
Có những người họ xăm hình vì sở thích hay muốn lưu giữ kỷ niệm, dấu ấn của mình trên cơ thể.
Trong một số chương trình truyền hình, ban tổ chức có yêu cầu thí sinh không được có hình xăm, nếu có phải cam kết xóa bỏ. "Tôi nghĩ rằng, không nên có sự phân biệt đó. Phải xem hình đó ở đâu, như thế nào, ảnh hưởng gì đến vấn đề đạo đức, thẩm mỹ hay không? Bây giờ người ta vẽ lên cánh tay, những chỗ kín đáo trên cơ thể thì không nguy hại" - ông chia sẻ thêm.
Một số chương trình thi tuyển người mẫu, cuộc thi hoa hậu ở nước ngoài hay Việt Nam không chấp nhận thí sinh xăm hình. Điều đó đúng vì họ muốn cái đẹp phải tự nhiên. Họ không cho sử dụng cách đẹp nhân tạo, dao kéo, vì nó khiến người ta khó đánh giá. Tuy nhiên, họ không lấy xăm hình để phân biệt, kỳ thị, đánh loại thí sinh.Ông cũng cho hay, hiện nay trong xã hội có những chàng trai có thể yêu phụ nữ xăm. Thế nhưng, khi họ cưới lại không chấp nhận vợ mình có hình xăm. Đó là do lúc yêu chỉ có hai người, lấy nhau về sẽ siết chặt các mối quan hệ giữa dòng tộc, họ hàng đôi bên, cộng đồng...
"Tôi nghĩ do vậy nên khi lấy vợ nhiều anh chàng đã không chọn người vợ có hình xăm", GS -TS Thịnh bày tỏ.
Ông cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn gái thích xăm hình: “Khi xăm, phái nữ cũng phải biết lựa chọn như khi chọn quần áo, xem nó làm cho mình cá tính, đẹp hơn hay không. Chị em cũng cần nghĩ xem xăm chỗ nào, hình gì, đừng chạy theo trào lưu”.