Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con gái suýt khóc khi biết cha đi trực chốt lúc nửa đêm

Công ty tạm nghỉ, ông Hoàn (Hà Nội) xung phong tham gia chống dịch tại phường. Sau mỗi ngày làm việc, ông kể với vợ con nhiều câu chuyện dễ thương diễn ra ở điểm chốt.

Mỗi ngày, ông Chu Xuân Hoàn (43 tuổi, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng đồng đội tham gia hỗ trợ trực chốt trên địa bàn, chia ca trực từ 6h sáng tới 23h đêm.

"Bố mình là tổ phó tổ bảo vệ dân phố, đây là công việc bố lo thêm cho địa phương. Mặc dù ngày nào cũng đứng trực chốt ngoài đường, có hôm về say nắng nhưng bố vui lắm, cảm xúc giống như lần đầu đi học ngày xưa. Nhóm trực có cả người dân, dân phòng, thành viên hội nhóm, công an, có cả bạn trẻ lẫn các bác cao tuổi. Dù cách biệt thế hệ nhưng điểm chung là đều nhiệt tình, lo lắng cho nhau", Ngọc Linh, con gái ông Hoàn, kể với Zing.

bo di truc chot anh 1

Ông Hoàn và công an, dân phòng thay ca trực chốt chống dịch trên địa bàn.

Những ngày đầu khi bố đi trực chốt, mẹ con Ngọc Linh rất lo lắng.

Có một đêm, khu vực có gia đình phải cách ly gấp, chốt dựng ngay lập tức, ông Hoàn bị gọi đột ngột.

Hôm đó, mẹ Linh cũng mất ngủ. Nửa đêm, để chồng đỡ buồn, bà gọi video hỏi thăm, nói chuyện với ông.

"Bố thấy bà xã gọi thì vui lắm, liên tục khoe: 'Mì tôm này em ơi', 'Ở kia còn có mấy thùng sữa', 'Vợ ơi anh bị muỗi đốt'. Nhìn qua điện thoại, thấy chốt dựng vội, chỉ có bàn để đồ tiếp tế và mấy chiếc ghế, mình suýt khóc vì thương bố. Nhưng thấy bố mẹ dỗ dành nhau, bố cố tích cực để trấn an mẹ, mình cũng cố gắng vui vẻ để gia đình vững lòng hơn", Ngọc Linh nhớ lại.

Người dân tặng đồ ăn cho điểm chốt

Dù nhiều hôm phải đột xuất đi làm nhiệm vụ giữa đêm, ông Hoàn và các đồng đội không cảm thấy khó chịu, than phiền, chỉ lo rằng những nhà cách ly hoặc nghi nhiễm đang phong tỏa bị thiếu thốn đồ đạc.

Đứng trực lâu ngày, làn da của ông Hoàn cũng đổi màu vì cháy nắng.

"Mẹ hay trêu da bố là chocolate sữa, còn bây giờ thì thành chocolate đen nguyên chất. Có hôm, mẹ trêu bố: ‘Sao da anh cùng màu với cái bàn rồi?’. Khi đó, bố nói phải ăn xong cái kem đậu xanh cho mát mới đỡ tổn thương. Cứ như vậy, những câu đùa của mẹ giúp bố đỡ mệt sau một ngày làm việc", Ngọc Linh kể.

Hàng ngày, khi bố hết ca trực về nhà, cả gia đình lại được nghe nhiều câu chuyện hài hước, vui vẻ diễn ra ở điểm chốt. Qua những câu chuyện bố kể, Ngọc Linh thấy vui trước tinh thần chống dịch của người dân và các cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu.

Thời gian trước chưa có quy định cấm giao hàng, một lần có shipper bị khách 'bom hàng' một túi nhãn. Anh liền chạy xe tới chốt trực, mục đích là tặng luôn phần trái cây cho mọi người.

Chốt ông Hoàn trực khá may mắn vì gần một quán bia nên có thể dùng nhờ điện của quán, có quạt để đỡ nóng giữa thời tiết oi bức.

Nhiều người dân trong ngõ cũng giúp đỡ bê bàn ghế, dọn chỗ, xịt khuẩn giúp kíp trực.

Nhiều hôm, bà con còn biếu hoa quả, lúc thì quả dưa hấu, khi thì túi ổi, trái cam. Mọi người cũng phân công nhau mang nước, đồ ăn ra tiếp tế.

“Bố mình nói rằng đi trực mệt nhưng vui khi nhận được những món quà nhỏ như vậy. Chỉ mong mọi người khi đi chợ, nhận đồ ở chốt, hãy vui vẻ hỏi thăm các chú bác dân quân và cán bộ, bởi chỉ cần thế thôi cũng là sự động viên, ủng hộ họ chung tay chống dịch rồi”, Linh bày tỏ.

Lời cảm ơn ghi trên giấy ăn của F0 72 tuổi gửi bác sĩ chữa trị

Trước khi xuất viện, bệnh nhân 72 tuổi đã viết những dòng thơ cảm ơn các bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) trên tấm giấy ăn.

Đinh Phạm

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm