Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Cơn ghen của Lọ Lem’ - cơn vui của Trần Lực

Bằng niềm tin, rằng chất lượng vở diễn sẽ kéo khán giả, Trần Lực dựng vở kịch kinh điển của Moliere theo hình thức mới, mang hơi thở đương đại, vui vẻ.

Cơn ghen của Lọ Lem (công diễn tối 23/11 tại Hà Nội) là vở diễn ra mắt đoàn kịch Luc Team của đạo diễn Trần Lực. Đây là đoàn kịch tư nhân đầu tiên tại Hà Nội, được các thành viên gọi với cái tên trìu mến là “đoàn kịch của thầy và trò”.

Dù lấy cốt truyện là vở kịch được viết từ 500 năm trước, nhưng Cơn ghen của Lọ Lem của Trần Lực mang đậm hơi thở đương đại, ước lệ, phá vỡ những hình thức kịch thường thấy trên sân khấu Việt trước đây.

Moliere,  Lo Lem,  Kich anh 1
Cơn ghen của Lọ Lem là một tác phẩm vui vẻ về quan hệ gia đình và đả kích thói rởm đời, trưởng giả.

Bản sắc của một nồi lẩu ngon

Trước giờ ra mắt tác phẩm, biên kịch của Luc Team đã nhận định: “Các bạn cứ xem đi, rồi sẽ thấy vở của anh Lực là một nồi lẩu thập cẩm”. Không mất một giây suy tính, Trần Lực khẳng định luôn: “Nhưng là lẩu ngon”.

Lời khẳng định chắc nịch đó khiến không ít người nghi ngờ, đã là nồi lẩu thì liệu nó có được một phong vị đặc sắc riêng, tạo nên được bản sắc riêng, hay một phong cách riêng?

Gần hai tiếng vở diễn Cơn ghen của Lọ Lem đã dần dần chứng minh lời nói của Trần Lực.

Cơn ghen của Lọ Lem là tác phẩm của nhà viết kịch vĩ đại thế kỷ 17 Moliere. Cùng với các tác phẩm lừng danh khác như Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, TartuffeCơn ghen của Lọ Lem góp phần đả kích toàn bộ xã hội tiểu thị dân Pháp thời đó với đủ sự kịch cỡm, lố bịch.

Gần 400 năm sau, trên sân khấu Hà Nội, Cơn ghen của Lọ Lem giữ lại tinh thần đả kích, hài hước của tác phẩm kinh điển, nhưng được thể hiện với một ngôn ngữ kịch mới mẻ, hiện đại.

Điều thuyết phục đầu tiên của vở diễn chính là phần trang phục và đạo cụ sân khấu. Sân khấu được tối giản đến mức tối đa. Khi đạo diễn nói xong lời chào mừng, tấm màn nhung đỏ kéo ra, sân khấu chỉ là một tấm lụa xanh xám. Cho đến giữa vở diễn, sân khấu có thêm một chi tiết là cánh cửa được kéo ra. Trên sân khấu kiệm chi tiết, cảnh trí ấy, từng lớp lang, thậm chí cả những nút thắt, cao trào kịch diễn ra, và khán giả tự lấp đầy sân khấu bằng những hình dung, ước đoán.

Trang phục của vở diễn vừa hiện đại vừa cổ điển. Các diễn viên được vẽ mặt nạ, giống hình thức mặt nạ trên sân khấu tuồng. Nhưng nét vẽ trên khuôn mặt diễn viên, cùng với áo, váy của diễn viên gợi tới hình ảnh những nhân vật trong tác phẩm điện ảnh Alice ở xứ sở thần tiên. Sự xóa nhòa ranh giới  Đông - Tây trong trang phục khiến cho tác phẩm trở nên phổ quát hơn, phù hợp với thẩm mỹ của nhiều đối tượng khán giả hơn.

Về nội dung, Cơn ghen của Lọ Lem tiếp tục là một cuộc hòa trộn của các tình tiết, thông điệp. Nếu như trước đây Moliere viết vở kịch nói về xã hội Pháp thế kỷ 17, thì tác phẩm của Trần Lực giễu nhại các vấn đề của xã hội Việt Nam đương thời.

Tác phẩm khéo léo đan cài những vấn đề nóng của xã hội vào, chỉ bằng vài lời thoại. Ở đó, người xem được thấy những tay tiến sĩ rởm đời đang nhan nhản ngoài xã hội, là những gian thương “sang Tàu nhập tơ về Hàng Gai bán”, là những trọc phú “xúc cát, mua lại cổ phần hãng phim truyện”…

Moliere,  Lo Lem,  Kich anh 2
Đông - Tây, cũ - mới, kinh điển - hài hước... pha trộn trong vở diễn Cơn ghen của Lọ Lem.

Trên tất cả, tác phẩm là một tiếng cười nhẹ nhàng về đời sống gia đình, cụ thể hơn là quan hệ vợ chồng. Dù anh chồng mang tên Lọ Lem lái Uber có vũ phu, say xỉn đấy; dù chị vợ nội trợ có suốt ngày lên Facebook “thả thính”, trốn nhà đi Tạ Hiện uống bia; dù các tình huống trớ trêu của cuộc sống có đẩy họ đến một “cơn ghen kinh khủng” thật đấy, thì sau đó, vợ chồng họ lại có những phút mặn nồng…

Từ bỏ hình thức kịch hiện thực tâm lý (tức mô tả lại hoàn toàn diễn biến câu chuyện, cố gắng chứng minh cho người xem thấy câu chuyện họ đang diễn trên sân khấu là giống thật nhất), Cơn ghen của Lọ Lem đích thị là một nồi lẩu đa vị; ở đó, là vị của văn hóa phương Đông trộn với phương Tây, là một hình thức giễu nhại trong lý thuyết hậu hiện đại pha với chất hài hước đã trở nên kinh điển của Moliere, là một xã hội thị dân Pháp thế kỷ 17 pha trộn với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 21…

Nhưng đạo diễn (người đầu bếp pha trộn những vị ấy) khéo léo tới mức làm cho mọi sự cũ - mới, Đông - Tây, cổ điển - hiện đại, kinh điển - hài hước trở nên một tác phẩm hợp lý, thuyết phục. Trần Lực gọi “bí quyết” trộn vị của mình là hình thức sân khấu ước lệ.

Chính hình thức tối giản, tính chất ước lệ giúp đoàn kịch tạo ra một tác phẩm mang tiếng cười hóm hỉnh, kể lại câu chuyện muôn đời trong một hình thức, thẩm mỹ hiện đại. Tác phẩm là một minh chứng rằng, bạn kể câu chuyện gì không quan trọng, quan trọng là bạn kể câu chuyện đó bằng cách nào.

Moliere,  Lo Lem,  Kich anh 3
Tình yêu dành cho sân khấu luôn chảy trong huyết quản Trần Lực.

Niềm tin của Trần Lực

Không phải ngẫu nhiên Trần Lực chọn Cơn ghen của Lọ Lem là tác phẩm mở màn giới thiệu đoàn kịch Luc Team. Bằng hình thức thể hiện mới, Trần Lực gọi đoàn kịch của mình là “sân khấu ước lệ”.

Trần Lực, một diễn viên, đạo diễn thành công trong điện ảnh không phải một ngày đẹp trời quay sang làm đạo diễn sân khấu và thành lập đoàn kịch. Tình yêu với sân khấu của anh được hun đúc từ nhỏ.

Cha của Trần Lực là Giáo sư, NSND Trần Bảng, một tác giả, nhà lý luận, đạo diễn của sân khấu chèo, và mẹ là diễn viên chèo Trần Thị Xuân. Sinh ra và lớn lên tại khu tập thể nghệ sĩ tuồng, chèo, hàng ngày được nghe tiếng trống, điệu hát của hai loại hình nghệ thuật này, nên tinh thần ước lệ và phương pháp biểu diễn theo trường phái biểu hiện (vốn có trong nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo) đã ngấm vào NSƯT Trần Lực.

Trong quá trình tám năm tu nghiệp tại Bulgaria để theo học về đạo diễn sân khấu, mặc dù được học theo phương pháp hiện thực tâm lý, nhưng Trần Lực đam mê và bị cuốn hút vào hiện thực ước lệ.

“Tôi quay lại với sân khấu, vì nhiệt huyết với sân khấu của tôi lúc nào cũng sôi chảy” - Trần Lực nói.

Trong suốt 20 năm làm điện ảnh, đi đâu Trần lực cũng xem sân khấu, và nhận thấy một điều: “các vở diễn làm giống nhau quá”. Sân khấu kịch Việt Nam trong gần một thế kỷ nay ứng dụng hệ kịch hiện thực tâm lý (theo lý thuyết Stanislapski). Hình thức này đã có nhiều tác phẩm giá trị, đạt tới thời kỳ đỉnh cao tại Việt Nam những năm 1970 -1980.

Cũng bởi hình thức kịch này rất hay, đạt tới đỉnh cao nên sân khấu nào cũng áp dụng. “Chúng ta đều làm theo phương pháp hiện thực tâm lý, nó rất hay, nhưng làm giống nhau thì sẽ khiến khán giả nhàm” - Trần Lực nói.

Vị đạo diễn tin tưởng rằng trong thời đại ngày nay, dù đã bị điện ảnh, các gameshow truyền hình lấy mất khán giả, nhưng sân khấu vẫn có sức hấp dẫn riêng. Anh cũng tin, sân khấu bị lấy mất khán giả còn bởi lý do các tác phẩm đang được làm quá nhàm chán.

Bởi thế, Trần Lực làm những vở kịch theo lối khác, dựng nên một hình thức mà anh gọi là kịch ước lệ. Để tạo nên những vở diễn ấy, Trần Lực cùng 12 diễn viên (vốn là những sinh viên trong trường Sân khấu Điện ảnh mà Trần Lực dạy trước đây) lập nên sân khấu Luc Team. Muốn diễn được kịch theo lối ước lệ, các diễn viên phải trải qua một khóa học giải phóng cơ thể. Đây vốn là khóa học của các diễn viên xiếc, thường áp dụng cho diễn viên nam lúc 8 tuổi, diễn viên nữ lúc 12 tuổi.

Vậy mà các nghệ sĩ của Luc Team phải giải phóng cơ thể khi ngoài 20 tuổi. Họ trải qua những ngày tập “cực kỳ đau đớn, ngày nào cũng nước mắt ròng” như lời của diễn viên Phương My. Sau đó, các diễn viên tiếp tục trải qua các khóa học sâu hơn, giải phóng cơ sinh lý… Các khóa học này giúp diễn viên sử dụng hình thể để diễn theo lối ước lệ được tốt hơn.

Trước câu hỏi tình hình sân khấu kịch tại Hà Nội ảm đảm, không có khán giả, Trần Lực rất tự tin với vở diễn của mình. Anh kỳ vọng: “Chúng tôi muốn làm ra một cái gì đó mới, hấp dẫn, quyến rũ, và tự tin sẽ quyến rũ được lớp trẻ”.

Sau khi ra mắt vở Cơn ghen của Lọ Lem, đoàn kịch Luc Team sẽ tiếp tục diễn Cơn ghen của Lọ Lem trên sân khấu Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace từ cuối tháng 11. Đoàn kịch cũng có kế hoạch dàn dựng thêm các vở mới cũng theo phong cách kịch ước lệ.

Bị dừng vở thực cảnh, Việt Tú tố 'chúa đảo Tuần Châu' nợ tiền nghệ sĩ

Sau khi vở "Thuở ấy xứ Đoài" bị dừng lại, đạo diễn Việt Tú lên tiếng khẳng định nhà đầu tư đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và dự án thực cảnh vẫn còn nợ tiền nghệ sĩ.

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm