Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con là nạn nhân bạo lực học đường, cha mẹ có tội?

TS Vũ Thu Hương cho rằng, cha mẹ nghĩ rằng con mình vô tội thì đã nhầm: "Chúng ta có rất nhiều tội".

 

1.    Chúng ta hãy cùng phân tích về cuộc sống trẻ nhỏ trong gia đình. Các cha mẹ nghĩ rằng mình vô tội thì đã nhầm. Chúng ta thật sự rất nhiều tội.

2.    Khi còn nhỏ, mỗi lần các cháu bị ngã, thay vì để con tự đứng dậy, có không ít các bậc phụ huynh chạy cuống lại đỡ con lên và tiện tay đập cái bàn hoặc cái mặt đất vài cái rồi mắng đồ vật đó làm cho con đau. Đây là biện pháp rất tốt để con phát triển tính ăn vạ và đổ lỗi cho mọi việc. Đồng thời, con học được cách giải quyết mọi việc bằng bạo lực.

3.    Khi con đi học mầm non, mỗi khi con bị bầm hoặc xước, cha mẹ thường tỏ thái độ quá tức giận. Tớ đồng ý là xót con lắm. Nhưng phản ứng thái quá sẽ chỉ làm con thấy tự coi trọng quá mức những cảm giác, cảm xúc của chính mình mà quên đi những cảm giác của người khác. Đặc biệt, chúng ta quên mất rằng 50% những vụ "tai nạn" đó là do chính con mình gây ra do các cháu chưa khéo léo hoặc cũng có thể do chính các cháu xông vào đánh các bạn khác. Phản ứng bênh con tức thì sẽ khiến con trẻ không nhận thức đúng đắn mọi việc mà tự động bênh bản thân ngay khi sự việc xảy ra.

4.    Khi con đi học tiểu học, nếu có xích mích với bạn bè, không ít cha mẹ đáp lại lời kể của con về sự vụ đó như sau: Không chơi với thằng/con đó nữa. Tâm lý cha mẹ luôn nghĩ con mình hiền, con mình vô tội mà quên mất rằng mọi mâu thuẫn đều đến từ 2 phía. Nếu xét đoán mọi việc lệch chiều thì sớm muộn con cũng trở nên xấu chơi với bạn bè và sau này con dễ ức chế với bạn, thiếu kiên nhẫn với bạn.

5.    Cũng từ lúc bắt đầu đi học, khi con có xích mích với bạn bè, không ít cha mẹ đến lớp quát mắng hoặc dọa đánh trẻ khác để bênh con. Các cha mẹ luôn nghĩ con mình bị ăn hiếp chứ ít khi nghĩ con mình có thể là đứa trẻ ăn hiếp kẻ khác. Bọn trẻ con học ngay được một điều rằng: Dù chúng thối tha thế nào thì khi xích mích với bạn, bố mẹ chúng cũng bênh chúng. 

6.    Có không ít bố mẹ dạy con “choảng” lại những kẻ bắt nạt mình. Nhiều cha mẹ nghĩ đó là điều hợp lý nhưng quên rằng trẻ có hiểu lời dạy dỗ của cha mẹ là choảng đứa nào mình không ưa. Như vậy, mầm mống của bạo lực nổi dần lên trong đầu trẻ.

7.    Các cha mẹ không dạy con không làm phiền người khác. Đám trẻ không đánh bạn nhưng thích trêu chọc, thích nói xoáy, thích nhìn với vẻ trêu ghẹo. Khi bạn tức lên đập lại thì bé trở thành nạn nhân và được bênh vực. Điều đó càng ngày càng nguy cơ bạo lực càng lớn hơn.

8.    Cha mẹ không dạy con tôn trọng sự khác biệt. Thấy bạn bè có những hành vi hay cách ăn mặc, cách sống khác người, các con cần học cách tôn trọng. Điều này chính các cha mẹ cũng làm chưa tốt, hay nhận xét, chê bai, dìm hàng người khác. Khi con học đòi theo, chắc chắn con sẽ gặp phải sự phản kháng, tức tối và thậm chí là bạo lực từ phía những người bị các con đánh giá.

9.    Tôn trọng ý kiến của người khác cũng là điều mà cha mẹ chưa dạy con và nhiều cha mẹ mắc phải. Nhiều cha mẹ quen cách áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác làm con học đòi theo. Sống trong tập thể, con áp đặt với bạn bè chắc chắn sẽ tạo ra mâu thuẫn để bạo lực có cơ hội phát triển.

10.  Con gặp nhiều ức chế trong cuộc sống, cha mẹ không tạo điều kiện cho con xả bớt căng thẳng, giảm ức chế cũng là lý do để con dễ gặp bạo lực học đường. Việc ức chế không được giải quyết cũng sẽ làm con đổi tâm tính, nóng nảy, dễ cáu gắt và dễ giải quyết mọi việc bằng nắm đấm.
Con bị ép học hành quá nhiều, học thêm nhiều, ít tập thể thao, năng lượng dư thừa cũng dễ khiến con trở thành kẻ thích nói chuyện bằng tay chân. Các cha mẹ hãy nhớ và lưu tâm những điểm này nhé.

Có tới 10 nguyên nhân của Bạo lực học đường đến từ cha mẹ. Các cha mẹ hãy thử xem mình mắc phải cái món gì nhé. Nếu cha mẹ công bằng và suy xét hành động mọi thứ theo khoa học, không bênh vực con thái quá, vô lý chắc chắn sẽ giúp con nhiều để phòng tránh bạo lực học đường.

 

Bạo lực học đường dưới cái nhìn của tiến sĩ tâm lý

Sau hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh, dưới góc nhìn từ người đứng trên bục giảng, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư Phạm Hà Nội) chia sẻ bài viết với Zing.vn.

TS Vũ Thu Hương

Bạn có thể quan tâm