Toni Murphy (25 tuổi, London, Anh) làm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, cho biết bản thân không thể ngừng mua đồ của Shein. Với khoản vay và trợ cấp sinh viên, cô chỉ có thể nghĩ đến những món đồ bình dân. Ban đầu, Toni băn khoăn về mức giá thấp của hãng này nhưng rồi cũng thử mua vài bộ.
Không chỉ riêng Toni, nhiều người trẻ Việt cũng bị thu hút bởi hãng thời trang nhanh này. Một tháng qua, Bích Phương (TP.HCM) chia sẻ với Zing mình đã chi 2 triệu đồng để mua những bộ váy hai dây mang phong cách hoài cổ, phù hợp với mùa hè của các hãng thời trang nhanh.
Dù hiểu về tác động tồi tệ của thời trang nhanh đến môi trường, nhiều người trẻ vẫn khó thoát khỏi thói quen mua đồ rẻ. Ảnh: Bloomberg. |
Thực tế, các thương hiệu như H&M và Zara đã phát triển với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, 4.414 sản phẩm mới được H&M thêm vào trang web Mỹ năm nay vẫn không phải là con số khiến nhiều người sửng sốt.
Theo Guardian, trang web bán lẻ thời trang Shein của Trung Quốc gần đây được định giá 100 tỷ USD và thêm gần 315.000 kiểu dáng vào trang web của mình chỉ trong năm nay.
Dễ gây “nghiện”
“Thời trang, đặc biệt là các mặt hàng rẻ, rất dễ gây nghiện”, đó là lời bình luận của Zainab Mahmood - nhà báo và người sáng tạo nội dung. Đó là lý do các thương hiệu thời trang cực nhanh liên tục cập nhật sản phẩm, tăng số lượng khủng trong thời gian ngắn. Họ kết hợp quảng bá bằng hình thức video ngắn để người mua không thể thoát khỏi vòng xoáy. Phong cách trò chuyện dễ thương giúp người xem quên rằng họ đang xem quảng cáo.
“Cơn nghiện của tôi bắt đầu trong đại dịch. Tôi liên tục thấy quảng cáo về những món đồ vài lần trong ngày”, Toni nói.
Các hãng thời trang cực nhanh áp dụng nhiều phương pháp quảng cáo để tiếp cận giới trẻ. Ảnh: Yingyai Pumiwatana. |
Dù nhận được một số mặt hàng không như mô tả hoặc ảnh chụp, giá cả và kiểu dáng đa dạng vẫn khiến Toni bị thu hút. Giá quá rẻ đã khiến Toni cũng như nhiều bạn trẻ khác không bận tâm về chất lượng. Đường chỉ không đẹp hay màu sắc khác trên ảnh là những lỗi nhỏ họ có thể dễ dàng bỏ qua.
Georgia Willard - sinh viên 23 tuổi - cũng từng là khách hàng thân thiết của các hãng thời trang nhanh. Lý do của Georgia là cảm thấy mình cần phải có bộ trang phục khác mỗi khi ra ngoài để chứng minh với mọi người bản thân ăn mặc chỉnh tề mọi lúc.
Tuy nhiên, Georgia đã kiềm chế được bản thân và kết thúc việc mua trang phục vào mỗi cuối tuần.
Quá trình thoát khỏi vòng quay
Nữ sinh viên này từ bỏ thói quen thời trang nhanh của mình khi cô được học về tác động ngành công nghiệp thời trang tới môi trường qua khóa học tại trường.
Sự phát triển của các thương hiệu thời trang siêu nhanh, rẻ hơn như Boohoo, Pretty Little Thing và Shein, có doanh thu hàng năm tăng từ 2 tỷ USD vào năm 2018 lên 15,7 tỷ USD vào năm 2021. Điều này đã làm cho chu kỳ mua, mặc, vứt bỏ không thể chấm dứt.
Ngoài việc tìm hiểu về thực tế tồi tệ, cô cũng nhận ra rằng mình không thể duy trì thói quen này mãi và nó cũng sẽ khiến chuyến du lịch đến Vương quốc Anh trở nên xa vời hơn.
Toni Murphy hiện nuôi “cơn nghiện” thời trang của mình bằng các ứng dụng cũ như Depop và Vinted.
Cái khó đối với người trẻ
The Guardian cho biết: “Thời trang cực nhanh không phải là tin tốt cho hành tinh. Với tốc độ này, vào năm 2050, ngành công nghiệp thời trang có thể sử dụng gần một phần tư ngân sách carbon của thế giới”.
Giá quá rẻ khiến nhiều người trẻ dễ "thỏa hiệp" với bản thân. Ảnh: Oscar Wong. |
Khoảng 60% người thuộc thế hệ Z nói họ đã thay đổi thói quen và hành vi chi tiêu cá nhân để giảm tác động đến môi trường. Tuy nhiên, họ cũng đang thúc đẩy sự phát triển của thời trang cực nhanh, bởi khoảng cách giữa thái độ và hành vi là rất lớn.
Từ bỏ thời trang nhanh hoàn toàn là việc rất khó khăn đối với những người trẻ. Bởi họ vẫn đang tìm cách thể hiện bản thân, loay hoay với nguồn tài chính của mình, cũng như mong muốn bắt kịp các xu hướng thời trang, làm đẹp.