Từ năm 15 tuổi, Sharon Feng (Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang) đã mơ ước đặt chân vào một trường cao đẳng nghệ thuật tại Mỹ, theo Washington Post.
Năm ngoái, cô gái 19 tuổi nộp đơn vào Đại học Colgate (New York) và được chấp nhận. Nhưng tới tháng 1 năm nay, cô quyết định bỏ qua thư mời nhập học.
Feng chỉ là một trong số đông sinh viên Trung Quốc chọn không du học Mỹ nữa, dù đã nung nấu và chuẩn bị nhiều năm cho mục tiêu này.
Ảnh hưởng của đại dịch và mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi đã khiến "ánh hào quang" của nền giáo dục Mỹ không còn lấp lánh như xưa trong mắt người xứ tỷ dân.
Dịch bệnh cùng sự xấu đi trong quan hệ của Trung Quốc với Mỹ là nguyên nhân khiến làn sóng nhà giàu tại đất nước tỷ dân đua nhau cho con hưởng nền giáo dục phương Tây chững lại. Ảnh: CNN. |
Mỹ không còn là mục tiêu duy nhất
Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, số lượng du học sinh Trung Quốc tại xứ cờ hoa đã giảm 20% từ năm 2019 đến năm 2020.
Năm ngoái, số lượng đơn xin nhập học từ sinh viên quốc tế giảm mạnh do dịch bệnh song đã tăng trở lại vào năm nay, ngoại trừ Trung Quốc.
Tại kỳ nhập học mùa đông, chỉ khoảng 19.000 sinh viên Trung Quốc nộp đơn đăng ký, giảm 16% so với năm trước đó. Ngược lại, đơn đăng ký từ Ấn Độ tăng 35%.
Kể từ những năm 1970, sinh viên Trung Quốc bắt đầu đặt chân đến Mỹ học tập. Đến đầu thập niên 2000, con số thật sự bùng nổ, từ 50.000 người lên hơn 350.000 người.
Trong quá khứ, các gia đình giàu có sẵn sàng chi tiền và dùng cả chiêu trò gian lận điểm số, bài luận để giúp con cái du học Mỹ. Hầu hết sinh viên Trung Quốc du học theo dạng tự túc, giúp đem lại nguồn thu không nhỏ cho các trường đại học Mỹ.
Phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu và đại gia ở Trung Quốc từng coi việc cho con học ở Mỹ sẽ giúp đứa trẻ ưu tú hơn. Ảnh: Sixth Tone. |
Cha mẹ cho con theo học những ngành mà họ nghĩ Mỹ có lợi thế hơn như công nghệ thông tin hay tài chính, từ đó có thêm cơ hội nghề nghiệp tại một nền kinh tiên tiến hơn.
Áp lực cạnh tranh, không chịu thua kém giữa các gia đình trung lưu do đó tăng lên, biến việc cho con cái đi du học Mỹ thành biểu tượng của giàu sang, địa vị.
“Mọi người bắt đầu nhìn xung quanh, thấy bạn bè mình ai cũng gửi con đi học nước ngoài và cảm thấy mình cũng phải làm theo", Andy Xiao, giám đốc điều hành trung tâm dạy thêm Tiandao Education, cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng xu hướng này chỉ là tạm thời. Nhưng nhiều người khác tin rằng sự sụt giảm sẽ kéo dài và càng giảm sâu hơn kể cả khi đại dịch chấm dứt.
Sharon Feng (19 tuổi) vẫn lựa chọn ở lại Trung Quốc dù rất mong mỏi đến Mỹ du học. Ảnh: WP. |
"Chỉ cách đây 2-3 năm, chuyện du học Mỹ trong giới lắm tiền rất thịnh hành", Joseph Ingam, quản lý công ty tư vấn đại học SOS Admissions, trụ sở tại Los Angeles, cho hay.
Còn hiện tại, lượng khách hàng Trung Quốc của công ty đã giảm một phần ba so với trước khi có dịch. "Nhiều người vẫn lạc quan rằng con số rồi sẽ tăng trở lại nhưng tôi không tin lắm vào điều đó", ông nói thêm.
Nhiều gia đình Trung Quốc chuyển đổi con đường học hành cho con cái, từ chuyên tâm lo cho các kỳ thi đầu vào của Mỹ sang ôn luyện cho Gaokao - cuộc tuyển sinh đại học khốc liệt ở quê nhà.
"Nước Mỹ không thân thiện"
Theo Xiao, nền kinh tế và giáo dục Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ. Vậy nên số lượng sinh viên trong nước đi Mỹ du học giảm chỉ là chuyện sớm muộn.
Nhận thấy điều đó, công ty của Xiao bổ sung thêm các nhà tư vấn chuyên về các trường tại Singapore, Canada, Anh - những nơi đang hấp dẫn du học sinh Trung Quốc hơn cả.
Sinh viên Trung Quốc chuyển sang du học Anh, Singapore, Canada. Ảnh: WP. |
Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn lo sợ làn sóng phân biệt chủng tộc người châu Á tại Mỹ và không còn yên tâm cho con sang học.
"Nước Mỹ có thể tốt nhưng họ không còn thân thiện với chúng tôi. Vì Mỹ không hoan nghênh, tôi nghĩ mình không cần cố sống chết đến đó làm gì. Đối với tôi, chuyện đến Mỹ hay không giờ không quan trọng nữa", Jeff Ren, nghiên cứu sinh thạc sĩ đến từ Hàng Châu, nói.
Ren đã dành 3 năm và tiêu tốn 10.000 USD để chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, song gần đây đã từ chối lời mời của Đại học New York để đồng ý nhập học Đại học Vrije (Hà Lan).
Còn với Sharon Feng, cảm giác tiếc nuối lại nhiều hơn. "Thật sự tôi rất thất vọng vì ngôi trường ở Mỹ là nơi tôi muốn vào học hơn cả".
Giống như nhiều bạn bè khác dồn toàn tâm toàn sức để chuẩn bị đi Mỹ, quyết định không du học nữa khiến việc học hành gặp không ít gián đoạn. Feng không bắt kịp với guồng quay ôn thi Gaokao căng thẳng nên cơ hội thi đỗ rất thấp.
Cha mẹ cô thúc giục cô chọn một trường khác. Cuối cùng, cô chọn Đại học Hong Kong, nơi cũng có chương trình nghiên cứu giới tính và các hoạt động ủng hộ giới LGBT, đúng với lĩnh vực Feng quan tâm.
"Miễn là được học những lớp mà tôi muốn thì tôi coi đó như lựa chọn tốt thứ hai", Feng nói.