Khi con ôn thi trường chất lượng cao, nhiều phụ huynh cũng dành thời gian ôn tập, luyện đề cùng con. Ảnh minh họa: Depositphotos. |
Từ ngày 18/5, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 6 trực tuyến. Cả đêm hôm trước, chị Hải Yến (quận Hà Đông, Hà Nội) mất ngủ, chỉ mong trời mau sáng để liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con gái đang học lớp 5 nhằm xin bảng điểm học bạ sớm.
Chị Yến cho biết với phương án tuyển sinh năm nay, để qua vòng sơ tuyển, con gái chị phải đạt tối thiểu 167 điểm. Tức là, với 17 đầu điểm, con phải đạt tối thiểu 14 điểm 10 và 3 điểm 9.
“Vợ chồng tôi lo lắm bởi 4 năm học trước, con đã có 3 điểm 9, chỉ còn chờ kết quả năm nay nữa thôi. May mắn, con đã hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện", chị Yến vẫn nhớ như in cảm giác lúc biết tin con đủ điểm qua vòng hồ sơ, dù chưa thi vòng 2, vợ chồng chị vẫn vui mừng, thở phào nhẹ nhõm vì con đã cố gắng suốt 5 năm.
Quay cuồng ôn thi
Chị Yến cho biết ngay từ khi con học lớp 3, vợ chồng chị đã định hướng con thi vào lớp 6 của 3 trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội. Trong đó, mục tiêu cao nhất là vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Xác định mức độ khó của kỳ thi tuyển sinh cũng như tính cạnh tranh cao, con lên lớp 4, chị Yến bắt đầu đăng ký cho con ôn thi tại trung tâm. Như vậy, song song với việc tập trung học trên trường để duy trì thành tích học bạ, gần 2 năm nay, kể cả nghỉ hè, con cũng phải tập trung ôn luyện 3 môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh.
Mỗi tuần 3 buổi, cứ đi học về, con gái chị Yến lại tranh thủ làm bài tập trên lớp, tắm giặt, ăn tối và sửa soạn sách vở lên đường đi ôn thi. Vì đăng ký thi 3 trường, việc ôn thi của con càng trở nên vất vả. Trở về nhà lúc hơn 21h30, con lại tiếp tục ngồi vào bàn tự học.
“Từ khi lên lớp 5, thông thường, con đi sẽ ngủ vào lúc 23h. Những hôm nhiều bài tập hoặc gần thi, kiểm tra, con thức đến 0h hoặc 1h hôm sau", chị Yến cho biết thời gian tới, khi nghỉ hè, có thể chị sẽ đăng ký thêm cho con 1-2 buổi phụ đạo để con chắc kiến thức hơn.
Nữ phụ huynh cho biết con có tố chất học tốt, rất tự giác và ham học, chưa bao giờ nản chí. Tuy nhiên, với khối lượng kiến thức trên lớp và bài vở ở trung tâm, nhiều lúc, con vẫn bị căng thẳng, nhất là khi gặp những dạng bài khó.
Thấy con vất vả, thường xuyên thức khuya, chị Yến rất xót nhưng theo chị, việc đỗ các trường chất lượng cao còn là câu chuyện đường dài. Phụ huynh này cho biết gia đình dự tính trong tương lai sẽ cho con du học, chính vì vậy, các trường chất lượng cao là môi trường tốt để con có nền tảng vững chắc.
“Trước đó, vợ chồng tôi cũng giới thiệu về các trường để khơi gợi sự yêu thích cho con, từ đó, con có thêm quyết tâm, hào hứng. Tuy nhiên, vợ chồng tôi cũng động viên con, giải thích rằng nếu con đỗ thì tốt, nếu không, con cũng đã cố gắng hết mình, bố mẹ không gây áp lực gì với con", chị Yến chia sẻ.
Không cày ngày, cày đêm như con chị Hải Yến nhưng con chị Nguyễn Hoa (quận 12, TP.HCM) cũng bắt đầu vào guồng ôn tập vì chỉ còn một tháng, kỳ thi tuyển sinh lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) sẽ bắt đầu.
Từ đầu năm 2023, con chị Hoa xác định thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa để thử sức mình nên đã chủ động nói với mẹ đăng ký học thêm ở trung tâm để nắm rõ dạng đề thi và bổ sung kiến thức. Bản thân chị Hoa thấy con có học lực tốt, lại quyết tâm thi vào trường chuyên nên đăng ký cho con học ở một trung tâm gần nhà. Hàng tuần, con học thêm vào 2 buổi sáng cuối tuần, mỗi buổi kéo dài khoảng 2-3 giờ.
Ngoài giờ học ở trung tâm và học chính khóa trên lớp, con chị Hoa dành thêm nhiều thời gian để luyện đề, ôn tập thêm kiến thức tại nhà. Chị Hoa nói vì quyết tâm thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, con rất tự giác học, không cần ai nhắc nhở, đốc thúc. Bản thân chị thấy con học liên tục cũng xót con, nhưng không tác động quá nhiều vì sợ ảnh hưởng tinh thần của con.
Con trai của chị Thu Hồng (quận 11, TP.HCM) cũng đang luyện tập để thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giống con của chị Nguyễn Hoa. Tuy nhiên, con chỉ học tại nhà, không học ở trung tâm vì ngay từ đầu, con đặt mục tiêu thi vào trường để thử sức và kiểm tra khả năng học tập của bản thân.
Chị Thu Hồng cho biết hiện con trai chị đang luyện thi theo các bộ đề có sẵn trên mạng. Do đi học chính khóa cả tuần, con chỉ luyện đề vào buổi tối và các ngày cuối tuần. Bản thân chị sợ con học nhiều vất cả nên luôn động viên, nhắc con ôn tập trong khả năng của bản thân, không nên học quá sức rồi gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Tôi luôn ưu tiên niềm vui và sức khỏe của con là trên hết nên nếu con đậu thì sắp xếp học, không đậu thì cho con đăng ký học trường khác. Tôi không gây áp lực, bắt buộc con phải vào trường chuyên”, chị Hồng nói.
Thí sinh thi vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao phải trải qua 2 vòng sơ tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Bài toán thời gian và kinh tế của phụ huynh
Những năm gần đây, kỳ thi vào lớp 6 trường chất lượng cao căng thẳng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đây không chỉ là cuộc đua về năng lực thí sinh, đó còn là bài toán về kinh tế và thời gian của phụ huynh.
Theo chị Yến, với mỗi buổi học ở trung tâm, gia đình chị phải chi 200.000 đồng. Như vậy, đều đặn gần 2 năm, mỗi tháng, riêng việc ôn thi của con cũng mất đến hơn 2 triệu đồng.
“Chưa kể, xác định về lâu dài, vợ chồng tôi còn cho con học thêm tiếng Anh từ khi 4 tuổi, chi phí cũng kha khá. Về học phí ở trường tư thục, may mắn, con học tốt nên kỳ nào cũng có học bổng", chị Yến chia sẻ.
Không riêng tiền bạc, 2 năm nay, chị Yến cũng phải đầu tư nhiều thời gian cho con. Chị chia sẻ dù công việc kinh doanh rất bận rộn, những ngày con đi học buổi tối, chị vẫn phải sắp xếp để về sớm đón con, chuẩn bị sẵn cơm nước để con kịp ăn trước khi đi học. Theo chị, như vậy mới đảm bảo con có sức khỏe tốt.
Buổi tối, khi con tự học, chị cũng thường xuyên sang phòng, dành thời gian hỗ trợ con những bài khó bởi chị biết, kiến thức ôn thi của con rất rộng, có thể vẫn nằm trong chương trình học nhưng nhiều dạng bài, cách hỏi, cách ra đề khác nhau. Ngày nào cũng vậy, phải đợi con tắt đèn, vợ chồng chị mới yên tâm đi ngủ vì lo con thức quá khuya.
“Khi có bài khó, nếu con nghĩ quá lâu mà vẫn chưa biết cách làm, tôi sẽ hỏi ý kiến con, nếu con cần hỗ trợ, tôi sẽ giảng bài cho con hiểu. Điều này giúp con nhanh chóng hoàn thành bài vở và đi ngủ sớm, nhưng thông thường, con đều muốn tự làm bài", chị Yến nói và cho biết thấy con tự giác, ham học, vợ chồng chị cũng có nhiều động lực để đồng hành cùng con.
Tương tự, trong thời gian con ôn thi, chị Thu Hồng cũng trở thành bạn đồng hành, cùng ôn thi với con. Kể từ khi con trai vào guồng ôn tập, chị Hồng cũng dành thời gian lên mạng, tham gia các hội nhóm ôn thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa để tìm các bộ đề mới rồi hai mẹ con cùng làm.
Dù công việc bận rộn, chị Hồng vẫn dành thời gian cùng con giải ít nhất một đề mỗi tuần, sau đó, hai mẹ con cùng tra đáp án, tự chấm điểm để biết những nội dung nào làm chưa tốt rồi rút kinh nghiệm. Từ những lần giải đề cùng con, chị Hồng nhận thấy môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh con đã làm khá tốt, nhưng phần kiến thức xã hội con còn gặp khó khăn vì nội dung kiến thức rất rộng.
Để con nâng cao kiến thức về khoa học xã hội, lịch sử, địa lý, chị Hồng cho con xem thời sự, đọc sách báo mỗi ngày. Bản thân chị cũng tham gia hoạt động này cùng con như một cách để động viên con học tập.
"Bản thân tôi biết đề thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ thiên biến vạn hóa nên tôi cho con học theo kiểu chậm mà chắc. Tôi cho con đọc tin tức và góp nhặt các kiến thức xã hội để tạo thành kho kiến thức chung. Nếu không áp dụng được trong bài thi, con vẫn có được kho tàng kiến thức hữu ích cho cuộc sống sau này", chị Hồng nói thêm.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.