Cháu Nguyễn Trọng T (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng, da tím tái. Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 đã gắp ra một hạt tắc rơi vào phế quản phải - nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp và di chứng não khiến cháu phải sống đời sống thực vật.
Qua lời kể của người thân trong gia đình, các bác sĩ được biết khi bé bị co giật, mẹ của bé đã nặn trực tiếp quả tắc vào miệng bé để chống co giật. Không may, hạt tắc rơi vào khí quản khiến bé bị suy hô hấp, phải đưa vào một phòng khám đa khoa gần nhà để cấp cứu. Dù đã được đặt nội khí quản nhưng do tình trạng quá nặng nên phòng khám đã chuyển bé đến bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị. Các bác sĩ đã gắp được hạt tắc ra khỏi khí quản phải nhưng do não thiếu oxy quá lâu nên đã dẫn đến tình trạng cháu bé bị di chứng não, phải sống đời sống thực vật. Đồng thời, cháu T cũng đang rơi vào tình trạng nhiễm trùng phổi do dị vật gây nên.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan, khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, theo quan niệm dân gian, một số phụ huynh khi thấy con lên cơn co giật thường nặn chanh hoặc tắc vào miệng trẻ. Thế nhưng việc nặn trái tắc hay chanh vào miệng em bé không những không có tác dụng khi trẻ bị co giật mà ngược lại còn vô cùng nguy hiểm. Vì trong cơn co giật, trẻ không có phản xạ ho sặc sụa để đẩy dị vật ra khỏi đường thở. Trong cơn co giật thì phản xạ này sẽ giảm hoặc mất đi nên dị vật rơi vào đường thở rất dễ dàng.
Theo bác sĩ Hạnh Đan, khi trẻ lên cơn co giật tại nhà. Đầu tiên, các phụ huynh nên cho trẻ nằm trên mặt bằng theo tư thế nghiêng một bên, quay mặt trẻ ra ngoài để có thể quan sát được biểu hiện của trẻ. Ở tư thế này, đàm nhớt trong miệng trẻ dễ dàng chảy ra ngoài, có thể lấy khăn lau sạch cho trẻ, tránh trào ngược vào đường thở. Tiếp theo, cha mẹ có thể lấy một cây đè lưỡi bằng gỗ hoặc nhựa để đặt vào giữa hai hàm răng của trẻ. Sau đó, trẻ nên được đưa đến cơ sở y tế khám chữa bệnh gần nhất để sơ cấp cứu. Tuyệt đối không vắt chanh, tắc vào miệng trẻ vì những chất này hoàn toàn không có tác dụng chống co giật.