Công việc của Gabrielle Judge tại một công ty công nghệ không kết thúc bằng tiếng khóc thút thít hay la hét mà là bằng một đoạn video, ghi lại cuộc họp đánh giá hiệu suất mệt mỏi với người quản lý. Cô nói mình sẽ rời đi.
Judge, hiện làm việc bán thời gian với tư cách một người sáng tạo nội dung, đã đăng video về cuộc họp nghỉ việc lên mạng xã hội với biệt danh "Anti Work Girlboss". Cô nói rằng đã rời bỏ vị trí sau khi sếp sa thải nhóm rồi giao thêm việc cho cô.
Trong một video khác được đăng trên TikTok, Christina Zumbo trông có vẻ sốc và rơm rớm nước mắt. "Tê liệt", cô nói trong khi nhấn gửi email báo nghỉ việc cho sếp. Zumbo chia sẻ công việc này khiến cô không hài lòng.
Đoạn ghi âm có cuộc gọi từ bộ phận nhân sự về quyết định của cô ấy, và sau đó Zumbo được nghỉ việc.
Việc "từ chức công khai" đã trở thành một xu hướng lan truyền trong giới lao động trẻ tuổi, trong đó nhiều người cảm thấy bất bình vì bị đánh giá thấp vai trò trong công việc.
Những clip như vậy, được đăng với tiêu đề như "quit my job with me" (bỏ việc cùng tôi) hoặc hashtag #layoffseason, là một phần của làn sóng video "Quit-Tok" - hướng đến công khai những câu chuyện riêng tư bên trong văn phòng giữa nhân sự với người quản lý.
Một số người đã gọi cơn sốt này là "loud quitting" (nghỉ việc ồn ào), trái ngược với xu hướng "quiet quitting" (nghỉ việc trong im lặng) vào thời kỳ đại dịch. "Quiet quitting" ám chỉ nhân viên chỉ làm việc ở mức tối thiểu để giữ được việc làm của mình.
Nghỉ việc ồn ào
Một trong những động lực khiến nhân viên nghỉ việc hoặc bị sa thải đăng clip là tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội của chính họ. Nhưng xu hướng này còn là một cách để vạch trần điều kiện làm việc tồi tệ hoặc việc bị đối xử không tốt bởi người sử dụng lao động.
Giáo viên và nhân viên công nghệ chiếm số đông trong số những người đăng clip nghỉ việc. Nhiều video được chia sẻ bởi giới lao động cổ cồn xanh. Và phần lớn video được đăng bởi phụ nữ.
Nhiều người đăng clip về quá trình nghỉ việc, sa thải lên mạng như một cách phản ánh điều kiện làm việc tồi tệ, không được người sử dụng lao động tôn trọng. |
Trào lưu này đặc biệt phổ biến với thế hệ nhân viên Gen Z. Với mục tiêu thực hiện một chiến dịch minh bạch tại nơi làm việc, họ đăng các video về quá trình từ chức hoặc bị sa thải, thường là cuộc trò chuyện trong văn phòng hay gọi điện với quản lý, lên các nền tảng như TikTok.
Shira Jeczmien, giám đốc điều hành của Screenshot Media, người có trang web tập trung vào lứa tuổi 18-24, cho biết: "Xu hướng này liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế, sự hoài nghi về thời gian làm việc từ 9h tới 17h. Tất cả chúng đều là chủ đề Gen Z quan tâm".
Những nhân viên chọn "loud quitting" thường tự quay các clip ghi lại cuộc gọi video trao đổi với quản lý khi nghỉ việc, và người ở đầu dây bên kia không biết họ đang bị ghi hình. Nhân viên có thể đối diện thách thức pháp lý khi quay lén, nhưng đa số họ cũng chẳng sợ ông chủ của mình sẽ theo đuổi một vụ kiện.
Các nhà quan sát truyền thông cho rằng xu hướng này phản ánh văn hóa của Gen Z: Đưa ra những phản ứng cá nhân, thường mang tính cảm xúc để thể hiện "sự chân thực" và sẵn sàng chịu trách nhiệm về các tình huống gây lo lắng, căng thẳng.
Trong một video được chia sẻ rộng rãi, Brittany Pietsch đã ghi lại cảnh mình bị công ty Cloudflare sa thải khỏi vị trí giám đốc điều hành tài khoản chỉ sau 3 tháng.
Sau khi nghe đồng nghiệp nói về tình hình đang diễn ra, Pietsch đã quay lại cuộc gọi với một giám đốc nhân sự và một giám đốc khác, người này nói với cô rằng "sau khi hoàn thành các đánh giá về hiệu suất năm 2023, bạn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Cloudflare về hiệu suất. Chúng tôi có quyết định sa thải bạn".
Trong phần còn lại của clip, Pietsch tranh cãi với hai người giám đốc về phần thể hiện của cô trong công việc. Bài đăng đã buộc Matthew Prince, giám đốc điều hành của Cloudflare, phải phản hồi trên nền tảng truyền thông xã hội X (Twitter), rằng "tôi đau lòng khi xem video".
"Bất kỳ tổ chức khỏe mạnh nào cũng sẽ có những cá nhân không đủ hiệu quả. Sa thải không phải là sai lầm. Sai lầm là chúng tôi đã không đủ thân thiện và tử tế khi thực hiện việc đó", ông nói thêm.
Sa thải cũng cần tử tế như khi tuyển dụng
Hiệu ứng của chuỗi video "nghỉ việc ồn ào" được cảm nhận rõ ràng nhất trong các công ty công nghệ và lĩnh vực nhân sự. Xu hướng này buộc một số nhà tuyển dụng phải nâng cao kỹ năng giao tiếp với nhân viên.
Nolan Church, cựu giám đốc tài năng của công ty công nghệ DoorDash, và hiện là giám đốc điều hành của nền tảng dữ liệu trả tiền Faircomp, cho biết các video sa thải đã trở thành "một cơ chế giải trình để đảm bảo mọi người được đối xử nhân đạo".
Làn sóng sa thải do dư thừa nhân sự trong lĩnh vực công nghệ những năm gần đây đã khiến người lao động mất niềm tin. Theo công ty theo dõi ngành Layoff.fyi, các công ty công nghệ đã cắt giảm hơn 312.000 việc làm kể từ đầu năm 2023.
Việc sa thải được thực hiện mà không có mặt người quản lý, không đưa ra lý do chính đáng hoặc không có biên bản thôi việc có thể khiến người thực hiện việc đó bị tổn hại.
Quá trình sa thải hàng loạt của nhiều ông lớn công nghệ từng gây bức xúc, khiến nhân sự bị tổn thương. Ảnh: Bloomberg. |
"Nhân viên cảm thấy như hợp đồng xã hội đã bị phá vỡ", Church nói. Ông tin rằng xu hướng này đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các nền tảng như Glassdoor và Blind - những diễn đàn ẩn danh nơi các nhân viên công nghệ có thể thảo luận về công ty của họ.
Ann Francke, giám đốc điều hành của Chartered Management Institute, cho biết các video này có thể là "lời cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo về những thiếu sót tiềm ẩn trong quản lý".
Những nhân viên trẻ tuổi ngày nay cởi mở và minh bạch hơn về cách họ nhìn nhận chủ doanh nghiệp.
Nhưng việc đăng video sa thải cũng có thể mang lại rủi ro cho người lao động. "Bất kỳ nhân viên nào nói xấu người chủ của họ một cách công khai đều có thể bị coi là kẻ gây rối, điều này đôi khi ảnh hưởng đến cơ hội việc làm trong tương lai của họ. Lời khuyên của tôi là hãy nhận thức được những hậu quả tiềm ẩn cho dù bạn đang đứng phía nào của màn hình", Francke nói thêm.
Church cho biết các video đang có tác động đến các quy trình dự phòng, thúc đẩy quá trình giao tiếp chu đáo hơn.
Nhưng ở chiều ngược lại, Lindsay Witcher, giám đốc điều hành toàn cầu của công ty cung ứng việc làm Randstad RiseSmart, cho biết một số công ty đang tránh xa quy trình sa thải hoặc gửi thông báo bằng văn bản để tránh những rủi ro tiềm ẩn về uy tín.
"Tôi vẫn còn sốc khi thấy các công ty ít chú ý đến việc lập kế hoạch và thực hiện việc sa thải nhân viên", Witcher nói.
Cô lập luận rằng người sử dụng lao động nên dành cùng một lượng nguồn lực cho việc sa thải nhân viên, giống như cách họ tuyển dụng. Thời gian dành cho việc lập kế hoạch quy trình, các gói trợ cấp thôi việc phù hợp và giúp nhân viên tìm việc làm mới có thể mang lại lợi thế cho công ty.
Witcher cho biết nếu việc sa thải được thực hiện tốt, các nhân viên cũ có thể là người ủng hộ mạnh mẽ cho công ty trong suốt sự nghiệp của họ. Và điều quan trọng là việc sa thải một cách cẩu thả cũng có thể tác động mạnh mẽ đến tinh thần của những người ở lại, đặc biệt là những người được yêu cầu phải làm nhiều hơn khi những người khác bị cắt giảm.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.