Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cơn sốt phim tiền truyện ở Hollywood

Nhiều tác phẩm đạt doanh thu lớn, khiến thể loại này trở thành hướng đi mới cho các nhà sản xuất.

Tại Hollywood, thật khó để tìm ra một thương hiệu phim không có phần tiền truyện. Đây không phải là sự đổi mới trong cách kể chuyện, cũng không phải là một ý tưởng tồi. Thập kỷ vừa qua, Hollywood chứng kiến sự bành trướng của vũ trụ phim và giờ là tiền truyện.

Dễ nhận thấy khi Wonka, The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes và tới đây là Furiosa: A Mad Max Saga liên tiếp ra mắt khán giả toàn cầu. Xu hướng này của Hollywood phản ánh nhiều vấn đề tại kinh đô điện ảnh những năm gần đây.

Yếu tố thương mại

Walt Hickey, người từng đoạt giải Pulitzer, chia sẻ trong cuốn sách You Are What You Watch: "Động lực chính cho ra các dự án khởi động lại, phần tiếp theo, phần tiền truyện là tài chính". Nhìn một cách đơn giản, sản xuất tiền truyện là có thêm phim ra rạp và thu được lợi nhuận từ loạt phim, nếu tác phẩm đó ăn khách.

Thực tế, thương mại là yếu tố bất biến khi các hãng phim bắt tay vào sản xuất. Điều này càng được chú trọng bởi làm phim ở Hollywood tiêu tốn rất nhiều chi phí. Rót từ chục triệu tới hàng trăm triệu USD là điều thường ngày đối với các ông lớn trong giới điện ảnh. Khi ra mắt khán giả, họ mong rằng tác phẩm có thể thu về những con số không tưởng.

Cây viết Leon Miller của The Pop Culture Studio nhận định: "Phần tiền truyện là lựa chọn phù hợp khi loạt phim vẫn hoạt động tốt về mặt thương mại và chưa làm cạn kiệt thiện chí của khán giả. Dù lý do sản xuất tiền truyện là gì, một điều đơn giản là họ không thể phát triển phần tiếp theo".

Loạt phim robot biến hình Transformers là một trường hợp cụ thể. Được nhào nặn bởi ông hoàng cháy nổ Michael Bay, Transformers nhanh chóng trở thành thương hiệu ăn khách với 5 phần phim. Song, khi Transformers: The Last Knight (2017) ra mắt đã bị đuối sức. Hãng phim Paramount Pictures quyết định cải tổ lại thương hiệu với tiền truyện Bumblebee (2018). Nối tiếp là bom tấn Transformers: Rise of the Beasts mang phong cách cyberpunk được người hâm mộ đón nhận.

Hollywood,  phim anh,  tien truyen anh 1

Bumblebee đảm nhận vai trò tiền truyện và tái khởi động thương hiệu robot biến hình. Ảnh: Paramount Pictures.

Bên cạnh thương mại, Hollywood còn làm tiền truyện với mục đích mở rộng hoặc hoàn thiện loạt phim. Việc này cho phép hãng phim đi sâu hơn vào nhóm nhân vật được yêu mến. Nổi bật trong số đó là loạt phim Fantastic Beasts từ giới phù thủy Harry Potter.

Sau 5 năm kể từ Harry Potter and the Deathly Hallows: Part 2 (2011), Warner Bros. cho ra mắt loạt phim tiền truyện về các sinh vật huyền bí. Bộ phim Fantastic Beasts and Where to Find Them (2016) thành công thu về 816 triệu USD toàn cầu, theo Box Office Mojo. Đáng tiếc, loạt phim này nhanh chóng xuống cấp cả về nội dung lẫn thương mại, buộc Warner Bros. phải tìm hướng đi mới.

Tiền truyện như một chiếc bánh ngọt mà hãng phim nào cũng muốn có phần, song miếng ngon hay dở còn tùy thuộc vào tầm nhìn của hãng. Lịch sử điện ảnh thế giới từng chứng kiến không ít dự án tiền truyện thất bại như Black Widow, Snake Eyes, The King's Man (2021) và đặc biệt là X-Men Origins: Wolverine (2009).

Đổi lại, khi thương hiệu đủ mạnh cùng với một định hướng rõ ràng, các hãng phim có thể nhận về thành quả xứng đáng. Bước ra từ loạt phim Despicable Me, tác phẩm hoạt hình Minions (2015) bùng nổ phòng vé khi thu về 1,1 tỷ USD cho Universal Pictures, theo Box Office Mojo. Dù doanh thu ảm đạm, Cruella (2021) được coi là thành công khi mang về cho Disney một tượng vàng Oscar tại hạng mục Thiết kế phục trang xuất sắc.

Hollywood có thực sự cần tiền truyện?

Hậu đại dịch, suy thoái kinh tế bao trùm lên mọi lĩnh vực. Các ông lớn như Marvel Studios, Disney, Warner Bros. hay Paramount Pictures đều chật vật tìm lời giải cho bài toán thương mại. Theo đó, phần tiền truyện của The Hunger Games mới đây là màn "vắt sữa" lộ liễu của Lionsgate, còn Wonka có thể tạm chấp nhận là tác phẩm thời vụ cho mùa giáng sinh.

Sự thất bại của loạt phim Fantastic Beasts hay The Hunger Games: The Ballad of Songbirds khiến khán giả cũng ngán ngẩm. Việc kể một câu chuyện nhàm chán, sai lệch so với hình tượng ban đầu là nguyên do dẫn đến thất bại của tiền truyện.

Theo A.V. Club, khán giả có xu hướng ghét phần tiền truyện vì họ không muốn câu chuyện về thế giới mà họ yêu thích bị thay đổi. Suy cho cùng, các phần tiền truyện tồn tại để tăng thêm sức nặng hoặc làm rõ cho câu chuyện gốc.

Hollywood,  phim anh,  tien truyen anh 2

Tiền truyện là một canh bạc đối với các nhà làm phim tại Hollywood. Ảnh: Lionsgate.

Khi một tác phẩm ra mắt, khán giả mong chờ nhiều vào sự sáng tạo, góc tiếp cận mới. Tuy nhiên, khi xem một bộ phim nói về những điều khán giả đã biết, thì mọi thứ trở nên vô nghĩa. Ngược lại, một bộ phận sẽ chấp nhận tiền truyện bởi họ vẫn muốn được thấy nhân vật yêu thích của mình xuất hiện. Khi hãng phim chưa tìm ra cách phát triển thương hiệu, việc "dạo chơi trong quá khứ" không phải là một ý tưởng tồi.

Cây viết Richard Newby từ Hollywood Reporter cho rằng: "Để tiền truyện có hiệu quả, tác phẩm phải cung cấp thông tin mới hoặc làm cho khán giả xem phim theo những cách mới nhằm tái hiện câu chuyện và các nhân vật. Phải có yếu tố hấp dẫn khiến người xem theo dõi câu chuyện mà họ đã biết trước cái kết. Thế giới càng mở rộng thì càng có nhiều cơ hội để đạt được điều này".

Theo Randall Colburn của A.V. Club nhận định, sự sáng tạo và thương mại có thể cùng tồn tại, nó chỉ cần có tâm trí đúng đắn ở vị trí lãnh đạo.

Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Walt Disney - sáng tạo không ngừng. Là một họa sĩ và nhà sản xuất thiên tài, Walt Disney luôn có những sáng kiến mới lạ, có cách làm phim khác hẳn các họa sĩ hoạt hình cùng thời.

Tiec cho Kaity Nguyen hinh anh

Tiếc cho Kaity Nguyễn

0

Bên cạnh năng lực diễn xuất, Kaity Nguyễn còn nổi tiếng là người kỹ lưỡng trong khâu chọn kịch bản. Song với "Công tử Bạc Liêu", nữ diễn viên không còn giữ vững được điều đó.

Nhật Long

Bạn có thể quan tâm