Viêm ống tai, suýt điếc vì ráy tai
Chờ lấy thuốc cho con, chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) bần thần kể lại: "Từ bé, con tôi đã không cho mẹ ngoáy tai, mẹ chỉ cần cầm bông tăm là cháu khóc thét. Cuối cùng thì tôi đành chỉ mơn man bên ngoài mỗi khi cháu tắm. Hoặc thỉnh thoảng chờ lúc cháu ngủ thì nhỏ nước muối vào tai rồi lấy khăn xô lau nhẹ.
Trong suốt thời gian này, cháu vẫn ăn ngủ bình thường. 2 tuổi cháu đi học mẫu giáo. Cô giáo nhận xét cháu chậm nói, ít giao tiếp với bạn. Tôi cứ ngỡ cháu giống tính bố nên cũng không để tâm lắm. Chỉ đến khi, cháu kêu đau tai, tôi mới đưa cháu đến viện khám thì cháu đã bị viêm ống tai nặng".
Các bác sĩ giải thích nguyên nhân là do, ráy tai cháu quá nhiều gây bít tắc khó chịu, rất có thể cháu dùng ngón tay ngoáy. Điều này rất dễ bị trầy xước gây viêm. Tôi thật đáng trách khi không phát hiện sớm ra điều này. Suýt chút nữa cháu điếc”, chị Thanh kể lại.
Ths. BS Trương Thị Kim Hoa ( trái) đang tư vấn cho phụ huynh học sinh. |
Theo các bác sĩ, thì trường hợp con chị Thanh không phải là hiếm gặp. Ths. BS Trương Thị Kim Hoa (Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, quận Hoàn Kiếm) cho biết trong đợt khám sàng lọc các chỉ số phát triển, sàng lọc khiếm thính cho trẻ đầu đời tại các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn quận vừa qua cho thấy khá nhiều trẻ gặp vấn đề về thính giác.
“Trong đó có nhiều trẻ không đo được thính lực chỉ vì… ráy tai. Tại một lớp học, đoàn bác sĩ khám cho 18 cháu thì có tới 4 cháu ráy tai bít đặc 2 lỗ tai, đen xì. Thậm chí có những cháu, chúng tôi lấy được cả cục ráy tai cứng chắc như viên sỏi. Những cháu này, muốn hỏi gì cũng phải ghé sát tai, hét thật to”, BS Hoa nhấn mạnh.
Không dùng tăm bông ngoáy tai
Theo BS Hoa thì thông thường ráy tai mỏng không cần ngoáy nó cũng có thể tự đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lại tiết ra ráy tai quá nhiều, hoặc ráy tiết ra quá khô hay quá dính. Điều này khiến cho ráy bị kết dính thành một khối ngày càng to, gây bít kín hoặc gần kín ống tai như cái nút chặn nên thường được gọi là “nút ráy tai”.
Nút ráy tai có thể gây ra các triệu chứng như ù tai, nghe kém, ngứa tai, chóng mặt, đau, hoặc ho (vì khi ráy tai quá to có thể chèn ép và kích thích dây thần kinh phế vị, vốn có nhánh nối tai với cơ hoành, kích thích này gây ra phản xạ ho). Nếu không được lấy ra kịp thời, rất có thể xảy ra tình trạng hủy xương và gây viêm ống tai.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thì việc lấy ráy tai cũng phải đúng cách. Theo đó, cha mẹ tuyệt đối không dùng tăm bông để ngoáy tai cho trẻ. Việc làm này vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong hơn. Ngoài ra cũng không được dùng que lấy ráy tai bằng sắt, chìa khóa hay nắp bút hoặc que tăm để ngoáy tai cho trẻ. Với những vật sắc nhọn này rất dễ gây trầy xước, tác nhân gây viêm nhiễm ống tai của trẻ. Thậm chí, nếu chẳng may cha mẹ quá tay thì nguy cơ thủng màng nhĩ, thậm chí bị điếc rất dễ xảy ra.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu trẻ có ráy tai cứng cha mẹ nên nhỏ vài giọt nước muối sinh lý để ráy tai mềm hơn hoặc có thể dùng vòi tắm hay bơm tiêm xịt nước ấm vào trong tai để ráy tai mềm nhão ra (lưu ý là với áp lực rất nhẹ để không làm vỡ màng nhĩ), sau đó khi nghiêng tai xuống thì dòng nước chảy ra sẽ lôi ráy tai đi theo.
Sau đó dùng tăm bông nhẹ nhàng xoay tròn phía bên ngoài (tuyệt đối không đưa sâu vào bên trong) để lau khô. BS Hoa cũng lưu ý, nếu đã làm hết các cách mà vẫn không làm sạch được ráy tai thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa. Ở đó, họ sẽ dùng các dụng cụ lấy dị vật phối hợp với máy hút y tế lấy sạch nút ráy tai một cách nhẹ nhàng và an toàn cho trẻ.