Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con trai bảo mẫu Nhờ một mình ở cổng tòa trong ngày xử mẹ

Phiên xét xử bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ bắt đầu mọi người vào hết trong phòng, chỉ còn bé Nam (con của Nhờ) đứng một mình trước cổng tòa án, ánh mắt thoáng buồn.

8h sáng 30/5 phiên tòa xét xử Hồ Ngọc Nhờ mới diễn ra nhưng từ sớm anh Phan Thanh Sơn (chồng Nhờ) đã đưa con trai Phan Thanh Nam (3 tuổi) có mặt ở tòa án, mong cho con được nhìn mặt mẹ.

Cũng giống như người thân trong gia đình, Nam háo hức được gặp mẹ nhưng do còn quá nhỏ nên cậu bé không được vào tòa.

Nam thoáng buồn và đứng khóc trước cổng tòa khi cha mẹ em và mọi người vào phòng xử án.
Nam đứng khóc trước cổng tòa khi cha và mọi người đã vào phòng xử án.

Giờ xử án, anh Sơn và mọi người vào hết trong phòng xử, còn lại một mình bé Nam đứng trước cổng tòa án. Ánh mắt thoáng buồn nhưng rồi ít phút sau, đứa bé ngây thơ lại vui đùa hồn nhiên trên vỉa hè.

“Sau khi xảy ra chuyện, Nhờ bị bắt, tôi một mình ‘gà trống nuôi con’. Hàng đêm nằm ôm con, nghe tiếng con khóc đòi mẹ tôi chỉ biết cắn chặt môi để không khóc theo”, anh Sơn tâm sự.

Nhớ vợ, thương con nên cứ cách 2 - 3 tuần anh lại đưa Nam lên thăm mẹ một lần. Gặp nhau 30 phút ít ỏi trong trại giam, cả gia đình chỉ biết ôm nhau khóc.

Anh Sơn đang trả lời câu hỏi của HĐXX.

Thường ngày, anh Sơn đi làm ở xưởng gỗ từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Còn Nam ở một mình trong căn phòng trọ nhỏ, chỉ có bà nội bán vé số gần đó thi thoảng về trông cháu, cho cháu ăn. Chơi với cháu được chừng năm, mười phút bà lại phải tất bật đi bán vé số vật lộn với cuộc mưu sinh.

“Sinh con ra mà không có giấy tờ gì khổ lắm. Lúc về ở với nhau, do không hiểu biết và cũng không có nhiều tiền nên hai vợ chồng không làm giấy đăng ký kết hôn. Vì thế sinh con ra không được cấp giấy khai sinh”, anh Sơn buồn bã nói.

Theo anh Sơn, vì không có giấy tờ nên mặc dù năm nay đã hơn 3 tuổi nhưng Nam không được trường mầm non nào nhận vào học. 

Sau khi nghe tin tòa tuyên án Hồ Ngọc Nhờ lĩnh 18 năm tù, anh Sơn cho biết sẽ làm giấy đăng ký kết hôn với Nhờ để 2 người chính thức thành vợ thành chồng và làm giấy khai sinh cho con.

"Mình phải cho cháu được đi học và hưởng quyền lợi như bạn bè cùng trang lứa", anh Sơn nói, giọng phảng phất nỗi buồn.

Theo nội quy phiên tòa, trẻ em dưới 16 tuổi không được tham dự phiên xét xử, trừ khi có giấy triệu tập của tòa án. Trong trường hợp của Nam, do cha mẹ em kết hôn không hôn thú nên em không có giấy khai sinh, vì thế tòa án không gửi giấy triệu tập. Nam và bố chỉ đến tòa với tư cách là những người dân bình thường.


Khắc Thành

Bạn có thể quan tâm