Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con trai bị mẹ đuổi khỏi nhà vì thừa nhận là gay ở Anh

Báo cáo từ tổ chức từ thiện cho thanh thiếu niên LGBT tại Anh chỉ ra tỷ lệ người ở độ tuổi 16-28 tìm trợ giúp về nhà ở tăng 118% trong thời gian phong tỏa.

"Tôi ước mẹ có thể chấp nhận việc con bà đang yêu một chàng trai bằng sự cảm thông, bao dung thay vì đuổi tôi ra khỏi nhà", Jack (17 tuổi) nói với The Telegraph.

Mùa hè năm ngoái, anh vô tình công khai là người đồng tính với gia đình. Điều này khiến mẹ Jack vô cùng giận dữ, tuyệt vọng.

"Bà ấy chưa bao giờ nghi ngờ xu hướng tính dục của tôi. Trước đó, tôi không dám thừa nhận mình thích nam giới vì sợ phản ứng bài xích, phẫn nộ từ mẹ".

Cuối cùng, anh buộc phải gói ghém đồ đạc, rời khỏi nhà.

bi duoi khoi nha vi la lgbt anh 1

Nhiều thanh niên Anh bị đuổi khỏi nhà giữa đại dịch vì công khai xu hướng tính dục. Ảnh: Getty.

Chống trả hoặc chạy trốn

Jack không phải thiếu niên duy nhất thuộc cộng đồng LGBT tại Anh rơi vào cảnh bơ vơ, không nhà cửa trong đại dịch. Theo The Telegraph, số lượng người trẻ bị đuổi khỏi nhà vì công khai xu hướng tính dục tăng mạnh giữa Covid-19.

Dữ liệu từ Albert Kennedy Trust (AKT), tổ chức từ thiện cho thanh thiếu niên LGBT, chỉ ra tỷ lệ người ở độ tuổi 16-28 tìm trợ giúp về nhà ở tăng 118% vào đợt phong tỏa đầu tiên.

Tại thời điểm cả nước ở nhà tránh dịch, nhiều thanh niên LGBT xứ sở sương mù cảm thấy đau khổ do bị gia đình hắt hủi, đánh mắng. Một số bị đuổi khỏi nhà, số khác chọn cách bỏ trốn.

Ana (20 tuổi), một người chuyển giới nữ, cho biết cô phải bỏ chạy khỏi nhà vì mâu thuẫn không thể giải quyết với cha mình.

"Kể từ khi thừa nhận mình là người chuyển giới với gia đình, mối quan hệ giữa cha con tôi luôn căng thẳng. Ông ấy dễ trở nên hung hăng và lăng mạ tôi", cô kể.

Chia sẻ với The Telegraph, Ana cho biết ra ngoài sống là cách duy nhất. "Tôi rất lo lắng vì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Tôi chỉ có 2 lựa chọn: chống trả hoặc bỏ trốn. Song, tôi biết mình không thể phản kháng cha mình".

Những tháng đầu tiên, cô gái trẻ sống nhờ nhà bạn bè, cố gắng tiết kiệm tiền để chuyển tới nơi ở mới. Ana vẫn giữ liên lạc với người thân nhưng từ chối trở về nhà vì cảm thấy "không an toàn".

bi duoi khoi nha vi la lgbt anh 2

Khoảng thời gian dài ở nhà tránh dịch khiến nhiều người trẻ trong cộng đồng LGBT cảm thấy ngột ngạt, nảy sinh mâu thuẫn với gia đình. Ảnh: People's World.

Tương tự Ana, Alex, một người chuyển giới 21 tuổi, cũng sống nhờ nhà bạn sau khi bỏ nhà ra đi giữa Covid-19. Trước đó, anh quyết định công khai giới tính thật sau thời gian dài cân nhắc.

"Tôn vốn định che giấu chuyện đó với gia đình, nhưng khoảng thời gian cách ly xã hội, xa rời bạn bè khiến tôi cảm thấy quá ngột ngạt. Tôi buộc phải nói với mẹ", Alex kể.

Tuy nhiên, anh không ngờ rằng mẹ mình sẽ có phản ứng kinh khủng tới vậy. Ngay đêm hôm đó, bà liên tục đánh mắng, khẳng định con mình "có vấn đề".

"Tôi phải liên hệ với một tổ chức từ thiện hỗ trợ LGBT vào sáng hôm sau vì quá sợ hãi. Lúc rời khỏi nhà, tôi thậm chí không có thời gian mang theo bất kỳ giấy tờ tùy thân nào", chàng trai chuyển giới hồi tưởng.

Bơ vơ trên đường phố, không có chỗ ở ổn định, mất việc làm là những khó khăn ập đến với Alex. Nhưng dù chật vật tới đâu, anh vẫn quyết tâm không quay về vì "quá sợ hãi".

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Theo The Telegraph, thời điểm trước đại dịch, gần 1/4 thanh niên vô gia cư tại Anh được xác định là LGBT. 77% trong số họ khẳng định việc công khai xu hướng tính dục bất thành khiến họ rơi vào cảnh "đầu đường, xó chợ".

Đường dây trợ giúp LGBT của xứ sương mù cũng cho biết hơn 20% đối tượng gọi điện tới cảm thấy "ngột ngạt, lo lắng" khi ở nhà suốt một thời gian dài mà không có sự động viên từ bạn bè.

bi duoi khoi nha vi la lgbt anh 3

Nhiều tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ cộng đồng LGBT tại Anh đang nỗ lực cung cấp giải pháp nhà ở, tâm lý cho người trẻ. Ảnh: Manchester UK.

Đáng nói, các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng mọi chuyện có thể tồi tệ hơn khi lệnh cấm trục xuất đối với công dân sẽ kết thúc vào ngày 31/5 tới.

"Chúng tôi biết nhiều người trẻ thuộc cộng đồng gặp khó khăn về việc làm trong thời gian phong tỏa. Từ đó tới giờ, họ được bảo vệ bởi lệnh cấm trục xuất do chính phủ ban hành", Lucy Bowyer, Giám đốc dịch vụ từ AKT, trả lời The Telegraph.

Trong tình cảnh đó, nhiều tổ chức từ thiện đã giúp đỡ người trẻ như Jack, Ana và Alex vượt qua khó khăn. Họ cung cấp chương trình hỗ trợ khẩn cấp, tư vấn nhà ở và đào tạo kỹ năng dài hạn nhằm ngăn người trẻ sa vào ma túy hay lạm dụng tình dục.

Ngoài ra, các tổ chức này cũng can thiệp, ngăn chặn nạn bạo lực gia đình với cộng đồng LGBT giữa Covid-19.

Mùa hè năm ngoái, tổ chức từng thiện The Outside Project đã thành lập Star Refuge - cơ sở trú ẩn dành cho nạn nhân bị lạm dụng trong gia đình là LGBT ở thủ đô London.

Tổ chức từ thiện chuyên tư vấn nhà ở cho người thuộc cộng đồng cũng tiếp nhận số lượng nạn nhân bạo hành gia đình cao kỷ lục suốt vài tháng phong tỏa.

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sự kỳ thị và thiếu nhận thức về các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho LGBT vẫn ngăn cản nhiều người tìm kiếm sự giúp đỡ.

Người chuyển giới vẫn đang bị mang ra làm trò giải trí

Sự hiện diện và ghi nhận LGBT trong xã hội ngày càng rõ ràng, nhưng không đồng nghĩa với việc họ có quyền và bình đẳng hơn.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm