Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con trai nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc tự sát

Cho rằng cái chết của con liên quan đến áp lực học tập khét tiếng ở Trung Quốc, Song Qinghui lên tiếng chỉ trích tình trạng này đồng thời tự trách khi chưa sát sao quan tâm con.

Cuối tháng 11, Song Haoran (12 tuổi), con trai của nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Song Qinghui tự tử tại thành phố Thâm Quyến. Cậu bé nghĩ mình đã không làm tốt trong bài thi giữa kỳ vừa qua.

Sau sự việc, Qinghui đổ lỗi cho khối lượng bài tập nặng nề, các bài kiểm tra thường xuyên và tình trạng thiếu tư vấn tâm lý ở trường là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình, theo South China Morning Post.

Cậu bé 12 tuổi nhảy xuống từ tầng 16 một tòa chung cư sau khi tan học vào buổi sáng và Qinghui cũng là người đầu tiên phát hiện ra thi thể con. Cảnh sát xác định đây là một vụ tự sát song văn phòng giáo dục địa phương cho biết đang điều tra xem có ai phải chịu trách nhiệm về việc kích động nam sinh hay không.

Trong một bài đăng trên Weibo vào 30/11, Qinghui đã chỉ trích tình trạng quá chú trọng vào kết quả học tập ở Trung Quốc, dù mùa hè vừa qua, chính phủ nước này đã siết chặt việc giao bài tập về nhà hay các chương trình dạy thêm sau giờ học, còn được gọi là "chính sách giảm kép".

tre em Trung Quoc tu sat vi ap luc anh 1

Song Haoran tự sát sau khi nghĩ mình đạt điểm kém trong bài thi giữa kỳ.

Người cha cũng tự trách, thừa nhận rằng anh và vợ có thể đã "không cho con đủ tình yêu và sự an toàn". Tuy nhiên, anh đổ lỗi phần lớn cho giáo viên và bạn học của Haoran về vụ tự sát.

"Hiện nay, toàn xã hội vẫn coi trọng điểm số, tỷ lệ nhập học. Trong khi đó, trẻ em chưa thích ứng được với chính sách giảm kép và vụ việc của con trai tôi là ví dụ minh chứng điều đó", Qinghui viết.

tre em Trung Quoc tu sat vi ap luc anh 2

Cậu bé 12 tuổi có tài hội họa.

Ông bố cho biết nỗi ám ảnh về điểm cao vẫn chưa giảm bớt sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra những quy định như cấm kinh doanh dạy thêm hoặc cố gắng hạn chế số lượng bài tập về nhà cho học sinh và nhiều thay đổi khác.

"Trên thực thế, tình trạng này chỉ ẩn bớt đi so với trước. Nhiều phụ huynh vẫn đang tìm cách cải thiện điểm cho con mình, như phần mềm làm bài tập về nhà, lập nhóm chat làm bài tập hoặc nhóm chat phụ huynh".

Qinghui từng chia sẻ con trai có tài năng nghệ thuật, nhưng phải hy sinh niềm đam mê cho việc học nếu không muốn bị hệ thống giáo dục bỏ lại phía sau.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2018, số vụ tự tử ở trẻ em độ tuổi 10-14 tại các khu vực thành thị Trung Quốc giai đoạn 2006-2016 gia tăng, từ 0,24 vụ tự tử trên 100.000 người lên 0,89 vụ trên 100.000 người. Chưa có dữ liệu nào về việc con số này đã tăng hay giảm trong 5 năm kể từ đó.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tự tử nói chung ở Trung Quốc tương đối thấp trên toàn cầu, ở mức 8,1 vụ tự tử trên 100.000 người vào năm 2019. Trung bình toàn cầu là 10,5 vụ trên 100.000 người.

Đại dịch tàn phá người trẻ châu Á

Là đối tượng chịu tác động nặng nề không kém người trưởng thành song người trẻ ở nhiều nơi vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, nhất là về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Mai An

Ảnh: Weibo

Bạn có thể quan tâm