Tiểu phẩm Thần bài phiên bản hài của cặp đôi Tùng Linh – Mai Yến Chi ở cuộc thi Cặp đôi hài hước đã khiến các giám khảo Thanh Bạch, Kiều Oanh, Việt Trinh, Lý Hùng đứng ngồi không yên. 4 giám khảo cảm thấy “tức tối, bực mình, khó chịu, bức xúc” vì tiểu phẩm quá xuất sắc khiến họ “không còn gì để nói”.
Ban đầu xuất hiện khá mờ nhạt, nhưng đến tập 4 Tùng Linh và Mai Yến Chi mới thật sự để lại ấn tượng sâu sắc với người xem. Đặc biệt là nam diễn viên hài sở hữu ngoại hình "không giống ai".
|
Tùng Linh và Mai Yến Chi thể hiện phần thi đột phá trong tập 7. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Tùng Linh không phải là cái tên quá phổ biến trong làng hài bởi anh ít xuất hiện trên truyền hình và báo chí, nhưng anh là diễn viên được biết đến nhiều với khán giả các tỉnh miền Tây. Nam diễn viên đã có khoảng 15 năm hoạt động nghệ thuật.
Trước đây, anh vốn không phải là diễn viên mà là họa sĩ, có hẳn cơ sở kinh doanh riêng của mình. Phải đến năm 25–26 tuổi, Tùng Linh mới mon men với nghề. Máu diễn hài cứ đến một cách tự nhiên, nghề cứ thấm từ từ rồi mê lúc nào không hay, vậy là Tùng Linh bỏ luôn công việc của một họa sĩ, chuyên tâm đi diễn phục vụ khán giả.
Có ba là nghệ sĩ Tùng Lâm – người vốn được mệnh danh là quái kiệt của làng hài, nhưng Tùng Linh lại không được ba khuyến khích theo nghề. “Ba tôi bảo nghề này cực lắm con ơi, không dễ ăn đâu”, anh tâm sự.
Dù không muốn nhưng trước niềm đam mê quá lớn của con, diễn viên hài Tùng Lâm cũng không phản đối. Trái lại, những quy tắc đầu tiên về nghề nghiệp mà Tùng Linh học được chính là từ ba mình. Ông chỉ cho anh cách giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, với khán giả.
|
Tùng Linh sở hữu nét duyên của ba và diễn xuất mộc mạc. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Đó là những hành trang quý giá nhất để Tùng Linh bước vào nghiệp diễn. Với chuyên môn diễn hài, ông dạy con trai: “Con đừng sa đà vào tiếng cười nhiều quá. Trong tiếng cười có nhiều loại, phải có sự tiết chế để khán giả xem nhớ hoài”.
Nhưng điều mà anh học được nhiều nhất từ ba mình là cách sống hòa đồng. Anh chia sẻ danh hài Tùng Lâm phóng khoáng với gia đình và bạn bè về tình cảm lẫn tiền bạc.
“Ba tôi từng lo dựng vợ gả chồng cho học trò khi họ không có điều kiện. Nhiều người muốn đi nước ngoài mà không đủ tài chính ba cũng giúp. Ba dạy tôi về đạo đức nhiều hơn là nghề nghiệp. Ba bảo đức thắng tài, đức ăn dài hơn tài” – Tùng Linh nói.
Dù có ba là một danh hài nổi tiếng, nhưng sự nghiệp của Tùng Linh lại khá chông gai. Anh cay đắng: “Nghề này sòng phẳng lắm. Ai có tài thì sẽ được trọng dụng, không phải cứ có người gửi gắm là được”.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, bên cạnh sự yêu thích và nhìn nhận của khán giả, niềm hạnh phúc của Tùng Linh chính là những lần ba đi theo xem mình diễn. Tùng Linh cho biết những lần như vậy ba anh thường ngồi dưới khán giả, xem rồi về nhận xét, góp ý.
Là người sống giữa hai thế hệ, Tùng Linh vừa chịu ảnh hưởng cái hài mộc, tinh tế của những nghệ sĩ gạo cội như Tùng Lâm, Bảo Quốc vừa tiếp thu, học hỏi những mảng miếng mới của hài hiện đại. Nhưng anh cũng từng một thời lăn tăn, mệt mỏi với niềm yêu thích của mình trong giai đoạn chuyển giao của thời cuộc.
|
Anh không nuôi nhiều tham vọng khi chơi game show, chỉ mong khán giả biết đến. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
“Thời xưa tôi đi diễn có đêm lên đến chục show, ế cũng phải 3–4 show. Đến cách đây chừng chục năm, khi truyền hình bùng nổ, chẳng ai còn đến sân khấu. Nghệ sĩ chúng tôi lao đao, thu nhập giảm sút trầm trọng”.
Trước sự chuyển biến đó, Tùng Linh cũng mất một thời gian để thích ứng. Rồi anh cần mẫn tham gia các hoạt động khác như đóng phim, ra MV ca nhạc…
Khi nhận lời tham gia chương trình, anh cũng không đặt mục tiêu gì lớn lao, đơn giản chỉ là “cho vui, rồi khán giả biết đến mình nhiều hơn”. Anh cũng học hỏi được nhiều từ các đồng nghiệp tham gia chương trình.
Tùng Linh nói: “Các bạn trẻ bây giờ quá thông minh, xử lý tính huống mới, mảng miếng linh động, mình không ngờ được. Tôi học được rất nhiều điều”.