Đại học Thăng Long tuyển 990 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung đợt một cho 18 ngành thuộc rất nhiều lĩnh vực như kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, y tế, xã hội. Trường tuyển chỉ tiêu bổ sung theo 5 khối tổ hợp cơ bản là A, A1, B, D, C. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 17 đến 22 điểm, tùy từng ngành và tùy tổ hợp môn.
Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt một cho 30 ngành bậc đại học và 23 ngành bậc cao đẳng. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 12 điểm với hệ cao đẳng và từ 15 hoặc 16 điểm, tùy từng ngành, với bậc đại học.
Lĩnh vực đào tạo của trường khá đa dạng, từ công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật, xây dựng, đến công nghệ thực phẩm, sinh học, du lịch, kinh tế, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang…
Thí sinh làm thủ tục tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Vietnam+ |
Đại học Kinh tế tài chính TP HCM xét tuyển 660 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Các nhóm ngành đào tạo của trường gồm quản trị kinh doanh, kinh tế, luật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 đến 17 điểm tùy ngành.
Trường cũng có 180 chỉ tiêu xét tuyển cho hệ cao đẳng với mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ là 12 điểm.
Đại học Công nghệ thông tin Gia Định xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu hệ đại học và 100 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung khoảng 3.400 chỉ tiêu cho tất cả các ngành với mức 15 điểm ở bậc đại học, 12 điểm ở bậc cao đẳng.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng có rất nhiều cơ hội xét tuyển theo học bạ bậc trung học phổ thông khi có rất nhiều trường xét tuyển theo phương thức này, gồm cả các trường công lập (như Đại học Nông lâm Bắc Giang, Đại học Hồng Đức…) và các trường ngoài công lập.
Ngoài ra, còn hơn 200 trường cao đẳng, với mức điểm sàn do Bộ quy định chỉ 12 điểm, cơ hội cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn còn rất lớn.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đợt một từ ngày 25/8 đến 15/9 và công bố điểm chuẩn trước ngày 20/9.