Ngày 12/10, thượng tá Lữ Văn Đồng - Trưởng công an huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - cho biết đơn vị này đã nhận được báo cáo của Công an xã Cẩm Thạch về vụ hai nữ sinh của trường THPT Cẩm Thủy 3 đánh một bạn đến ngất xỉu.
Hai nữ sinh đánh bạn tên Lê và Linh (cùng học lớp 11, trường THPT Cẩm Thủy 3). Nữ sinh bị hành hung học lớp 10A2.
Hai nữ sinh ở huyện Cẩm Thủy đánh em học lớp 10 đến bất tỉnh. Ảnh: Cắt từ clip. |
Liên tiếp xuất hiện clip nữ sinh đánh bạn
Khoảng 15h ngày 23/9, Ly và Linh chặn đường đánh bạn ngất xỉu tại khu vực cầu Đá. Một người dân gần đó quay bằng điện thoại di động và đăng tải lên Facebook. Nguyên nhân ban đầu được xác định là mâu thuẫn cá nhân.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Thủy 3 - cho biết Ly và Linh hay gây gổ đánh bạn. Hội đồng kỷ luật của trường đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi học một năm với hai em này.
Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt với học sinh nữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Cuối tháng 8, mạng xã hội lan truyền clip nhóm 3 cô gái đánh hội đồng, lột áo nữ sinh lớp 10 ở thị xã Sầm Sơn vì mâu thuẫn nhỏ.
Trung tuần tháng 9, cư dân mạng chia sẻ clip ghi hình ảnh nhóm nữ sinh Thanh Hóa dùng gậy đánh, chửi bới một nam sinh.
Ngày 23/9, mạng xã hội xôn xao về clip quay cảnh nhóm nữ sinh hai trường THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa mâu thuẫn trên Facebook, hẹn nói chuyện rồi lao vào đánh nhau.
Hai nữ sinh THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa hẹn đánh nhau ngày 23/9 vì mâu thuẫn trên Facebook. Ảnh: Cắt từ clip.
|
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về bạo lực học đường
Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Pháp chế và Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) - cho rằng những vụ đánh ghen, ẩu đả của người lớn được tung lên mạng dễ khiến các em học theo. Vì thế, nhiều nữ sinh hung hãn khi bị đụng đến quyền riêng tư.
Theo ông Tuấn, mới đây, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa - ký công văn gửi các trường, yêu cầu phòng chống tình trạng bạo lực học đường.
Sở yêu cầu các trường THPT và các đơn vị trực thuộc phối hợp chính quyền, lực lượng công an địa phương trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho các em cần phải được thực sự quan tâm. Giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi sát diễn biến tâm lý học sinh.
Trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên.