Tối 13/7, bà Thư (trú thị trấn Kim Bài) đến Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội trình báo chiều cùng ngày, bà bị kẻ lạ mặt gọi điện thoại tự xưng cán bộ công an thuộc cơ quan cảnh sát điều tra.
Người gọi thông báo bà liên quan đến đường dây mua bán ma túy. Kẻ lừa đảo đe dọa, yêu cầu bà lão chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản cho cơ quan thi hành án nếu không muốn vướng lao lý.
Do lo sợ, bà Thư đã ra ngân hàng chuyển 597 triệu vào tài khoản do kẻ gian cung cấp.
Bà lão nhận lại tiền sau khi suýt bị lừa qua điện thoại. Ảnh: Công an cung cấp. |
Trao đổi với Zing, chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Thanh Oai cho biết ngay sau khi chuyển tiền, bà Thư nắm bắt được thông tin cảnh báo của công an sở tại về các thủ đoạn lừa tiền qua điện thoại. Do đó, nạn nhân lập tức đến trình báo.
"Cùng ngày, cơ quan công an đã nhanh chóng phối hợp phía ngân hàng đề nghị phong tỏa tài khoản, ngăn kẻ gian chiếm đoạt tiền", viên chỉ huy cho hay.
Ngày 14/7, Công an huyện Thanh Oai cùng đại diện nhà băng đã hoàn trả gần 600 triệu cho bà Thư.
Chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự cho biết một số địa phương từng ghi nhận nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại với thủ đoạn tương tự như trên. Tuy nhiên, có ít vụ việc được ngăn chặn kịp thời khi kẻ gian chưa chiếm đoạt được tiền.
Bảng cảnh báo được Công an huyện Thanh Oai dán ở 150 điểm công cộng. Ảnh: Công an cung cấp. |
Theo vị này, Công an Thanh Oai liên tục cảnh báo về tội phạm lừa tiền qua điện thoại trên hệ thống loa phát thanh, hoặc dán tờ rơi tại 150 điểm công cộng như ngân hàng, ủy ban xã hay khu vực chợ. Do đó, người dân địa phương rất cảnh giác với những cú điện thoại lừa tiền.
Chỉ huy cảnh sát hình sự khuyến cáo khi tiếp nhận các cuộc gọi của người lạ tự xưng cán bộ công an, tòa án hay viện kiểm sát yêu cầu chuyển tiền, người dân không nên giao dịch ngân hàng trên điện thoại.
"Chủ tài khoản cũng không được cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền hoặc gửi mã OTP cho người lạ", cảnh sát nói và cho biết nếu bị đe dọa hoặc trót chuyển tiền, người dân cần ngay lập tức trình báo công an.