Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội phụ trách công tác in sao đề cho Sở GD&ĐT Hà Nội. PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - chia sẻ về thông tin bảo mật đề thi.
Quy trình nghiêm ngặt
- Công việc in sao đề thi cho Sở GD&ĐT Hà Nội được ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện như thế nào, thưa ông?
- ĐH Bách khoa Hà Nội được Sở GD&ĐT Hà Nội giao in sao đề thi. Khối lượng đề thi năm nay tương đối lớn, khoảng 575.000 đề cho tất cả 9 môn thi của 5 bài thi, nhiều hơn năm ngoái.
Các khâu bảo mật, in sao và bàn giao đề thi đều qua 3 vòng dưới sự giám sát của công an. Trong "vòng lõi", ĐH Bách khoa Hà Nội huy động 30 người, tất cả giao tiếp đều thực hiện qua PA83.
In sao đề thi cũng được làm trong phòng kín, niêm phong, chỉ có cánh cửa duy nhất kết nối với vòng ngoài. Vòng ngoài bao gồm lực lượng công an phường, cảnh sát cơ động bảo vệ.
Sáng 21/6, đề thi đã được vận chuyển theo kế hoạch, việc bàn giao có biên bản của người giao đề và người nhận.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. |
- Nhà trường gặp khó khăn gì trong công tác in sao đề?
- Năm nay, với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề riêng, đồng thời 3 bài thi tổ hợp cũng phải có mã đề trùng nhau. Đặc biệt, các mã đề phải đúng thứ tự.
Điều đó đặt ra yêu cầu công tác in sao đề phải hết sức cẩn thận, không xảy ra sai sót, không trùng mã đề. Mã đề phải xếp theo thứ tự để khi cán bộ coi thi phát cho thí sinh đảm bảo tuân theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Công tác in sao đề đã hoàn tất với quy trình chặt chẽ, giảm thiểu sai sót.
Đề phòng sai sót có thể xảy ra, ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội đồng ý cấp 10% đề thi dự phòng. Nghĩa là, nếu có 20 phòng thi, số lượng đề dự phòng tương đương 2 phòng.
Không được sử dụng giấy nháp của môn thi trước
- ĐH Bách khoa Hà Nội được giao phối hợp tổ chức bao nhiêu điểm thi?
- Nhà trường được giao 22 điểm thi, trong đó có 12 điểm thi ở 4 quận nội thành và 10 điểm thi ở 4 huyện ngoại thành.
Mỗi phòng thi có một giám thị là giảng viên trường đại học, một giám thị của trường phổ thông. Mỗi điểm thi có giám thị hành lang thực hiện theo bố trí của Sở GD&ĐT Hà Nội và Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội. Đó là giám sát không quá 6 phòng thi.
Ngoài ra, mỗi điểm thi huy động một lãnh đạo của các khoa, viện là phó trưởng điểm thi và một thư ký. Như vậy, tổng số lượng dự trữ, dự phòng, huy động cán bộ của trường là gần 800 người.
- Vai trò của giám thị coi thi được đánh giá rất quan trọng. ĐH Bách khoa Hà Nội đã tập huấn cho giảng viên như thế nào?
- Nhà trường đã tổ chức hai buổi tập huấn cho 800 cán bộ coi thi với nội dung hết sức chi tiết, ngoài ra còn thêm một buổi tập huấn cho giám thị không đến được hai buổi trước.
Sáng 21/6, các địa điểm thi tiếp tục phổ biến quy chế cho giám thị, trong đó đặc biệt lưu ý những điểm mới của quy chế thi năm nay như mã đề, tổ hợp thi. Không được tập huấn tốt có thể gây sai sót và quyền lợi của các em bị ảnh hưởng.
Nội dung tập huấn tiếp theo là các vật dụng được mang vào phòng thi theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Trong đó, giám thị đặc biệt lưu ý thí sinh phải trình được giấy chứng nhận thiết bị mang vào phòng thi chỉ có chức năng ghi hình, thu tiếng, hoàn toàn không có chức năng phát.
Một điểm lưu ý khác, khi hết môn thi thứ nhất trong bài tổ hợp, giám thị phải thu giấy nháp và đề thi. Việc này đòi hỏi sự cẩn thận tránh tình trạng thí sinh sử dụng thời gian của môn thi sau để làm bài thi của môn thi trước, dẫn đến sự không công bằng.
Năm nay, Hà Nội có sáng kiến rất tốt trong việc thu giấy nháp của từng môn thi trong bài tổ hợp. Đó là giấy nháp thiết kế khác nhau để phân biệt. Như vậy, nếu sang bài thi sau, thí sinh vẫn sử dụng giấy nháp của bài thi trước là phạm quy.