Ngày 4/5, bà Phạm Thị Ngọt (người nhận chồng mình là chủ nhân 5 triệu yen) cho biết: “Chồng tôi đã làm xong bản tường trình và văn bản ủy quyền cho tôi. Toàn bộ hồ sơ, chứng cứ chồng sẽ chuyển cho tôi trong thời gian sớm nhất để giao cơ quan công an”.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (người nhặt ve chai) thì bày tỏ: “Tôi rất sốt ruột chờ kết quả xác minh của cơ quan công an để được nhận lại tiền nhưng cũng chỉ biết trông ngóng tin tức thôi chứ biết làm sao”.
Cũng trong ngày có nhiều thông tin cho rằng Công an quận Tân Bình sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho tòa giải quyết. Phía cơ quan công an cho biết họ vẫn đang xử lý vụ việc. TAND quận Tân Bình cũng khẳng định không có việc công an chuyển hồ sơ cho tòa.
Cơ quan công an phải giải quyết
Để tìm hiểu rõ hơn những vấn đề dư luận quan tâm như thẩm quyền phân xử số tiền 5 triệu yen mà chị nhặt ve chai phát hiện, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Trí, Chánh án TAND quận Tân Bình.
Ông Nguyễn Văn Trí cho biết hiện vụ việc chưa có tranh chấp, khởi kiện nên thẩm quyền giải quyết vẫn thuộc cơ quan công an.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng mong ngóng kết quả xác minh của cơ quan công an. |
Theo Điều 239 Bộ luật Dân sự “Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại…”.
Trong trường hợp trên, chị Hồng đã giao nộp số tiền cho cơ quan công an và suốt thời gian qua, cơ quan công an đã đảm nhận công việc này. Do đó cơ quan công an là đầu mối chịu trách nhiệm phân xử, quyết định giao tiền cho phía nào. Tòa án có thể tham gia tham vấn, trao đổi nghiệp vụ khi phân xử nếu cơ quan công an thấy cần thiết.
- Nếu không đồng ý với kết quả xác minh, phân xử sắp tới của cơ quan công an các đương sự phải làm thế nào thưa ông?
- Hiện nay có hai đương sự hợp lệ theo quy định trong vụ việc này đó là chị Hồng mua ve chai và phía chị Ngọt. Có hai tình huống xảy ra khi cơ quan công an phân xử: Sau khi xác minh, cơ quan công an có thể xác định chị Ngọt và chồng xin nhận lại tiền không có căn cứ và giao số tiền đó cho chị Hồng hoặc ngược lại.
Người bị khởi kiện trong tình huống này không phải là một trong hai bên đương sự mà là cơ quan công an. Bởi lẽ không có tranh chấp giữa chị Hồng với phía chị Ngọt. Chị Hồng là người tìm thấy 5 triệu yen rồi giao nộp chứ không tranh chấp với ai.
Việc giao tiền cho bên nào cũng có thể khiến cho cơ quan công an bị đương sự còn lại kiện khi họ cho là “đáng lý số tiền đó là của tôi nhưng sao cơ quan công an lại giao cho bên kia…”.
- Trong trường hợp đó tòa căn cứ theo trình tự thủ tục nào để giải quyết?
- Mặc dù cơ quan công an không phải cơ quan hành chính Nhà nước nhưng vẫn ra những quyết định hành chính. Người dân có thể khởi kiện theo quy định luật tố tụng hành chính đối với quyết định mà đơn vị ban hành để giải quyết vụ 5 triệu yen.
Mặt khác, nếu việc phân xử của cơ quan công an thể hiện bằng công văn, thông báo… không phải quyết định hành chính mà các bên đương sự không đồng ý thì vẫn có thể khởi kiện ra tòa. Tòa vẫn nhận đơn kiện theo quy định để bảo đảm quyền khởi kiện của công dân nhưng có thụ lý hay không, giải quyết như thế nào thì tòa sẽ xem xét.
Vụ việc chưa từng có tiền lệ
- Theo ông, với vụ việc mà có nhiều người quan tâm như thế này, nếu tòa thụ lý giải quyết thì tòa có áp lực nào không?
- Hiện nay luật chỉ mới quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận vật (số tiền) “không xác định được ai là chủ sở hữu” trong việc thực hiện các thủ tục như lập biên bản tiếp nhận, thông báo tìm chủ sở hữu, phân xử vật (số tiền) đó… Riêng thủ tục phân xử, giao vật (số tiền) cho ai bằng quyết định hành chính hay bằng biên bản, thông báo, công văn… thì đúng là chưa có.
Mặt khác, vụ việc như thế này cũng chưa từng có tiền lệ. Hướng xử lý vụ việc và các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình giải quyết cũng cần bàn bạc, bổ sung, hoàn thiện thông qua vụ việc này. Ngày 10/5 sắp tới sẽ có cuộc họp giao ban Tòa án TP, tôi sẽ đưa vụ việc này ra để hỏi ý kiến, bàn bạc.
Xin cám ơn ông.
Cần ban hành quyết định xử lý
Theo tôi, giải thích như tòa là đúng. Tuy nhiên, để vụ việc được minh bạch, rõ ràng, cơ quan công an nên ban hành quyết định xử lý chứ không nên bằng công văn, thông báo... Đây sẽ là cơ sở để người dân khởi kiện ra tòa hoặc khiếu nại lên thủ trưởng cơ quan công an nếu không đồng ý với cách giải quyết này.
Luật sư Trần Minh San, Đoàn Luật sư TP HCM