Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Gia Lai, nhiều địa phương như huyện Đăk Đoa, Chư Sê, Chư Prông… xuất hiện kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhu cầu vay tiền ngân hàng của người dân tộc thiểu số để lừa đảo chiếm đoạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Sau đó, chúng đem thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc bán cho người khác để trục lợi.
Thủ đoạn của kẻ xấu là dò la, tìm hiểu nhu cầu vay tiền ngân hàng của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa có sổ đỏ để thế chấp hoặc do người đứng tên sổ đỏ có thu nhập thấp, vay được ít tiền hơn so với nhu cầu...
Công an các tỉnh Tây Nguyên cảnh báo người đồng bào thiểu số về việc bị lừa mất sổ đỏ. |
Sau đó, bọn chúng tiếp cận và dùng lời lẽ “ngon ngọt” dụ dỗ, thuyết phục nạn nhân để "làm giúp" sổ đỏ, đứng tên trong sổ đỏ giúp để vay tiền thuận lợi hơn, được nhiều hơn. Lừa phỉnh người dân rằng tài sản (đất) vẫn là của mình và việc ký vào các loại giấy tờ do đối tượng soạn sẵn chỉ là thủ tục, hợp đồng dân sự.
Tuy nhiên, thực chất những người này đã làm sẵn hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên mình rồi lừa nạn nhân ký để chiếm đoạt tài sản, sử dụng sổ đỏ đứng tên mình vay tiền tại ngân hàng, vay ngoài xã hội hoặc bán cho người khác mà không trả lại sổ đỏ, không đưa tiền vay được từ ngân hàng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến khi không trả được nợ, ngân hàng đến kiểm tra lô đất để phát mãi tài sản, thu hồi nợ, bà con mới biết đã bị lừa chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mất cả lô đất ngoài thực tế.
Công an tỉnh, công an các huyện, thị xã, thành phố đã vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm. Điển hình như các vụ việc sau:
Vụ Hà Thị Toan lừa chuyển tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 hộ ở xã Ia Ko, Ia Lốp, huyện Chư Sê với 18 lô đất có diện tích hơn 10 ha, sau đó sử dụng vay tiền ngân hàng và bán cho người khác;
Vụ Nguyễn Thị Kim Đức đã lừa 2 hộ ở xã Ia Boòng, huyện Chư Prông chuyển tên 6 lô đất để thế chấp vay tiền của ngân hàng và ngoài xã hội.
Vụ việc do Thông tấn xã Việt Nam phản ánh về người tên Tuất lừa một số hộ dân ở xã Glar, huyện Đăk Đoa vay tiền ngoài xã hội để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay tiền ngân hàng nhưng phải cho cho đối tượng đứng tên để được vay nhiều tiền dẫn đến có người bị mất đất, có người phải bán tài sản trả nợ hoặc bị đe dọa, phải trả lãi nóng…
Để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt sổ đỏ, Công an Gia Lai đề nghị bà con cảnh giác và báo tin cho cơ quan công an khi có nghi vấn.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Công an các xã, phường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã sử dụng Zalo để truyền tin cảnh giác. Điển hình là Công an phường Tân Lập (TP Buôn Ma Thuột), Công an xã Ea Drơng huyện Cư Mgar. Trong tin nhắn Zalo, các đơn vị đã cung cấp số điện thoại đơn vị Công an để người dân gọi điện hoặc nhắn tin báo qua Zalo công an.
Hiện, Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thí điểm mô hình “Kết nối Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình”, tập trung vào tăng cường tương tác giữa lực lượng công an và nhân dân, kết nối với cán bộ các thôn, buôn, tổ dân phố, các ban ngành đoàn thể tại địa phương… Có hơn 100 tài khoản Zalo đã được thiết lập tại các xã, phường, thị trấn để bà con nhân dân tiện liên hệ với lực lượng công an.