![]() |
Đối tượng Kim JiWon. |
Ngày 3/5, thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đơn vị vừa phát hiện, xử lý đối tượng người Hàn Quốc đang bị Interpol truy nã đỏ (được ban hành với những cá nhân đang bị truy tìm để truy tố hoặc bắt giam).
Trước đó, vào tháng 4/2025, trong quá trình kiểm tra cư trú người nước ngoài tại chung cư Lafortuna, thành phố Vĩnh Yên, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện một công dân Hàn Quốc không khai báo tạm trú, không có hồ sơ lao động hợp lệ, có dấu hiệu cư trú trái phép.
Phòng Quản lý Xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị xác minh nhân thân qua hệ thống.
Qua kiểm tra, Công an tỉnh phát hiện đối tượng Kim JiWon (sinh năm 1993) từng bị Tòa án Hàn Quốc tuyên án 10 tháng tù treo vì hành vi tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia vào năm 2019 và đang bị Interpol phát lệnh truy nã quốc tế với tội danh mở trang cá cược trực tuyến bất hợp pháp.
Đối tượng Kim JiWon từng tốt nghiệp chuyên ngành lập trình robot tại Đại học Buchoen. Sau khi ra trường, Kim JiWon làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Hàn Quốc, sau đó sang Campuchia tham gia tổ chức quảng cáo cờ bạc trực tuyến.
Tháng 2/2024, Kim JiWon được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Plan In Việt Nam bảo lãnh nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc.
Đến tháng 9/2024, Kim JiWon nghỉ làm việc tại Công ty nhưng không báo cáo Cơ quan Quản lý xuất, nhập cảnh; tiếp tục sử dụng thẻ tạm trú được cấp để cư trú, hoạt động tại Việt Nam và lén lút di chuyển qua nhiều tỉnh, thành phố.
Tại cơ quan công an, Kim JiWon đã khai nhận toàn bộ vi phạm trong quá trình nhập cảnh, cư trú và hoạt động của đương sự tại Việt Nam.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Kim JiWon với số tiền phạt là 17,5 triệu đồng, hình phạt bổ sung là trục xuất.
Đối tượng Kim JiWon đã được Công an tỉnh Vĩnh Phúc bàn giao cho Cơ sở lưu trú số 1-Bộ Công an hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tiến hành các bước tiếp theo theo quy định.
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.