Ngày 7/3, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng cảnh báo bằng nhiều hình thức nhưng vẫn có tình trạng người dân mua bán hàng hóa, tiền ảo qua các ứng dụng (app) trên mạng xã hội. Sau khi mua hàng, nhiều tài khoản của người tham gia bị hack và mất hết tiền.
Từ 2021 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện 33 vụ việc liên quan đến mua bán hàng hóa, tiền ảo qua các app trên mạng xã hội. Cơ quan này đã khởi tố 2 vụ án, 3 bị can liên quan đến việc lập các sàn tiền ảo như Bi option, UK Trade Global... kêu gọi nhà đầu tư, đưa ra mức lãi suất siêu lợi nhận rồi hướng dẫn tạo tài khoản tham gia rồi chiếm đoạt tài sản. 31 vụ việc còn lại đang được Công an TP.HCM điều tra, xác minh.
Thủ đoạn của loại tội phạm này là lên mạng làm quen bị hại rồi kêu gọi đầu tư. Lúc đầu, bị hại tham gia với số tiền nhỏ thì rút được tiền lợi nhuận. Nhưng sau một thời gian, số tiền đầu tư lớn hơn thì tài khoản sẽ bị đóng băng, sàn bị đánh sập và chiếm đoạt tài sản. Bị hại thường được kêu gọi làm cộng tác viên để bán hàng qua các ứng dụng như Lazada, Shopee, Tiki... để nhận hoa hồng.
"Thủ đoạn của loại tội phạm này cũng giống phương thức truyền thống là đánh vào lòng tham của bị hại. Nhưng tinh vi hơn là một lúc lừa được nhiều nạn nhân, kịch bản dễ đi vào lòng người, hình ảnh sống động nên người dân dễ tin hơn", ông Quang nói.
Đại tá Quang cho biết thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh với loại tội phạm này. Khi người dân bị lừa có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra công an cấp quận nơi sinh sống để được làm rõ.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM. Ảnh: Nhân Nguyễn. |
Về tiến độ điều tra các vụ án liên quan đến vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19, đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết trong giai đoạn chống dịch, Công an TP.HCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc lợi dụng phòng, chống dịch để trục lợi.
Công an đã chia xử lý theo từng mảng. Thứ nhất là vụ việc lợi dụng an sinh xã hội để trục lợi và đã khởi tố, xử lý nghiêm theo luật hình sự để răn đe chung.
Mảng thứ hai mà là trục lợi thông qua tiêm vaccine phòng Covid-19. Mảng thứ ba là trục lợi thông qua mua vật tư y tế như các vụ việc chiếm đoạt thuốc Molnupiravir để bán ra thị trường, sản xuất thuốc giả. Đặc biệt là vụ việc vi phạm Luật Đấu thầu có dấu hiệu trục lợi và có dấu hiệu đưa hối lộ ở Bệnh viện TP Thủ Đức.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết hầu hết vụ án đã có kết luận điều tra, chuyển qua VKSND và TAND để xử lý. Còn một số vụ hiện nay đang trong quá trình điều tra và mở rộng như vụ việc liên quan Bệnh viện TP Thủ Đức.