Theo UEFA, đã không có gì cho Atletico. Một lần nữa họ lại kết thúc bằng những giọt nước mắt. Năm 1974, tai họa đến trong vài phút. Năm 2014, nó đến trong vài giây. Bây giờ, 2016, nó đến trong khoảnh khắc Juanfran đưa trái bóng vào cột dọc, cho phép Ronaldo cởi áo và khoe cơ bắp sau đó.
Họ đã chơi cho một sự sụp đổ cuối cùng
Còn theo The Score, đội bóng này đã làm tất cả để kéo danh hiệu về phía mình. Nhưng vào thời khắc cuối, bằng cách nào đó, họ vẫn trắng tay. Nó dần trở nên mờ ảo và biến thành những hạt bụi để chạy qua những kẽ tay. Không gì đau đớn hơn khi đi qua “chiếc Cúp tai to”, nhìn thấy nó hiện hữu nhưng không thể chạm vào.
Tội đồ Juanfran. |
Simeone đã làm tất cả những gì có thể. HLV người Argentina đã chuẩn bị cho trận đấu này không chỉ 2 tuần, mà suốt 2 năm qua. Ông lường trước tất cả các tình huống, như việc nói rằng Casemiro là cầu thủ quan trọng nhất của Real, một ám chỉ cho trường hợp họ buộc phải tấn công.
Atletico đã chiến đấu với một kịch bản khác lạ và chơi với sơ đồ khác lạ (4-3-3), buộc phải làm quen với việc có bóng trong chân (giữ bóng 54%), chuyền tới 545 đường (Real là 500) và chạy tới 144 km (phía bên kia là 132), thống kê từ Opta. Trong muôn vàn áp lực, họ đã vượt qua, đã giành lấy niềm hy vọng và đưa trận đấu về định dạng quen thuộc.
Tuy nhiên, giống như trong quá khứ, thần may mắn không đứng về phía Simeone và các học trò. Rojiblancos nhận bàn thua không đáng có bởi Sergio Ramos đã việt vị. Khi Griezmann có cơ hội đòi lại công bằng, anh ta lại đưa bóng dội xà. Và, anh có thể lý giải tại sao một đội bóng đã không bao giờ thất bại trên chấm phạt đền lại không thể chiến thắng ở một dịp quan trọng thế này. Tại sao Juanfran lại ném giấc mơ vào sọt rác chỉ với một cú ra chân?
Người chiến thắng luôn đúng
Công bằng không bao giờ xảy ra trong bóng đá. Niềm vui với người này đồng nghĩa đau khổ thuộc về người kia. Bóng đá là khủng khiếp, là độc ác và gây đau đớn. Nó thiếu nợ Atletico rất nhiều. Tại sao luôn là Atletico?
Atletico đã chiến đấu để nhận lại bi kịch. |
Trong một quảng cáo của CLB năm 2010, có một cậu bé ngước lên nhìn người cha và hỏi: “Cha, tại sao chúng ta là fan Atleti?”. Ông đã không thể trả lời. Nó hàm chứa một cái gì đó giống như là tuyệt vọng.
Làm thế nào chúng ta đã chọn màu áo đỏ trắng và sau đó chịu đựng những bất công? Liệu nó có gắn với biệt danh El Pupas - sự nguyền rủa - mà đội bóng này đã trót mang? Và sau cùng, tại sao vẫn cứ phải Real để khoét sâu vào nỗi đau của họ? Ở một thị trấn, giới quý tộc luôn có mọi thứ. Còn kẻ bình dân thì không có gì.
Trong cuộc chiến dai dẳng, Real chiến đấu vì danh hiệu, Atletico chiến đấu vì khát vọng vươn lên; một kẻ chiến đấu với đối thủ, một kẻ chiến đấu với định mệnh trái ngang.
Công bằng nào cho Simeone? |
Và đây là kết quả: Real trở thành đội bóng vĩ đại với chiếc Cúp thứ 11 - nhiều nhất trong lịch sử, Atletico trở thành kẻ thất bại vĩ đại với thất bại thứ 3 trong cả 3 lần vào chung kết, cũng là một kỷ lục. Zidane đã có danh hiệu khi còn là cầu thủ. Sau 5 tháng làm quản lý, tiếp tục sở hữu nó một lần nữa. Simeone chưa bao giờ có và hy vọng có nó trong sự nghiệp HLV. 10 năm với vai trò này, ông vẫn không có nó.
“Người chiến thắng luôn luôn đúng”, Simeone nói sau trận đấu với phóng viên ESPN, “Sự công bằng? Tôi không tin vào công bằng khi nói đến bóng đá. Các đội bóng tốt hơn đã chiến thắng...”.
Vâng, không có công bằng. Không bao giờ có.
Trong số những đội chưa bao giờ giành C1/Champions League, Atletico là đội thất bại nhiều nhất, với 3 lần. Trước họ, Reims (1956, 1959) và Valencia (2000, 2001) là những đội thua 2 lần ở các trận chung kết. Điều đáng nói là ba đội bóng này kết hợp nên 7 thất bại và 5 trong số đó đều trước Real (Atletico 2 lần, Reims 2 lần và Valencia 1 lần).