Sáng 29/7, trong Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014, triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã công bố ba phương án kỳ thi THPT quốc gia.
Thời gian: tuần thứ 2 của tháng 6 hàng năm.
Địa điểm: được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thể có một số cụm thi tập trung tại thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là trường THPT, các trường đại học, cao đẳng. Bộ GD-ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh để quyết định phương án thành lập các cụm thi quốc gia.
Địa điểm chấm thi: thành lập các cụm chấm thi theo vùng miền.
Thi theo môn - Phương án 1
Thi 8 môn gồm: Toán, Vật lý, sinh, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ
Có 8 buổi thi trong 4 ngày, một buổi thi một môn
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.
Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.
Thi theo bài – Phương án 2
Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: Bài thi Toán; Bài thi Ngữ văn; Bài thi Ngoại ngữ; Bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học); Bài thi Khoa học xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý).
Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi 1 bài thi.
Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội.
Thi theo bài – Phương án 3
Trong kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm:
- Bài thi Toán -Tin (gồm các môn Toán và Tin)
- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ)
- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân)
- Bài thi Ngoại ngữ
Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.
Đối với thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT từ năm 2014 về trước, được tham dự Kỳ thi để sử dụng kết quả vào xét công nhận tốt nghiệp (đối với những thí sinh chưa tốt nghiệp) và tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Sử dụng kết quả thi: Điểm thi của thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN. Như vậy, học sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi quốc gia.
Xét công nhận tốt nghiệp: Những học sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định trong Quy chế thi sẽ được xét công nhận tốt nghiệp như sau:
- Điểm xét tốt nghiệp:
+ Điểm của 4 môn thi tối thiểu hoặc điểm của 4 bài thi (tương ứng với phương án lựa chọn môn thi hoặc bài thi). Đối với những thí sinh GDTX không thi Ngoại ngữ thì điểm công nhận tốt nghiệp là điểm của 3 môn thi/bài thi;
+ Điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có);
- Đối với thí sinh chưa được công nhận tốt nghiệp, Sở GDĐT căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện ở lớp 12, xét cho thí sinh được dự thi lại ngay trong năm đó bằng đề dự bị để xét công nhận tốt nghiệp theo Quy chế thi.
* Tuyển sinh ĐH, CĐ
Việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ:
Các trường ĐH, CĐ phải công bố thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia 6 tháng trên Website của trường, và Công thông tin điện tử của Bộ GDĐT. Thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ phải nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học để học sinh biết và đăng ký thi.
Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh:
- Công bố phương thức tuyển sinh của trường mình trong đó có các môn thi/bài thi của kỳ THPT quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường (gọi là các môn thi/bài thi xét tuyển) và công bố môn thi/bài thi chính sẽ nhân hệ số điểm (nếu có) trong số các môn thi/bài thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường.
- Trên cơ sở kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, tùy thuộc tính đặc thù của nhà trường, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ, thi bổ sung… theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.
Các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh:
- Xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trình Bộ GDĐT.
- Đề án tuyển sinh riêng cần chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.