Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức chiều 23/9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết năm 2021 kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2020, các năm tiếp theo tinh thần chung vẫn ổn định.
Ngân hàng câu hỏi sẽ được chú trọng xây dựng, phát triển cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Phó thủ tướng Nguyễn Đức Đam chủ trì phiên họp. Ảnh: Đình Nam/VGP. |
Phải duy trì kỳ thi
Mở đầu cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98-99% mỗi năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT có cần duy trì?
Các thành viên trong hội đồng thống nhất hệ thống giáo dục cần duy trì kỳ thi chung cho cả nước để có cơ sở phân tích, đánh giá học sinh và chất lượng giáo dục.
Từ thực tế quá trình giảng dạy và đánh giá học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà (Hà Nội), cho rằng không tổ chức kỳ thi sẽ không tạo áp lực học tập. Giáo viên không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.
“Kỳ thi thể hiện điểm số, rèn luyện kỹ năng, ý chí để vượt qua thử thách. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực thông qua kết quả. Vì vậy, kỳ thi cần thiết”, cô Nguyễn Thị Nhiếp trao đổi.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp đánh giá hệ thống giáo dục, là cơ sở, động lực thúc đẩy, tạo tiến bộ trong quá trình dạy và học.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhấn mạnh nếu không tổ chức kỳ thi sẽ không kiểm soát được việc dạy và học, định hướng đổi mới giáo dục.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng ủng hộ việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông cho hay các nước trên thế giới vẫn có kỳ thi tốt nghiệp cấp phổ thông. Việc thi là cần thiết, đánh giá môn nào đang dạy và học tốt, môn nào chưa tốt để rút kinh nghiệm.
GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, thông tin không có lý do gì để thay đổi kỳ thi. Kỳ thi là đợt tổng rà soát lại toàn bộ chương trình giáo dục.
“Phải thi, phân tích kết quả đến từng trường, từng địa phương” là ý kiến của TS Hoàng Ngọc Vinh.
TS Lê Đông Phương nhìn nhận: “Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra so sánh giữa điểm thi và điểm học bạ, kết quả so sánh cho thấy, học bạ không 'đơn giản' nên phải duy trì kỳ thi”.
Khuyến khích thi trên máy tính
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT đang dần hoàn thiện sau 6 năm đổi mới thi cử.
“Tôi ủng hộ phương án thi hiện nay, dần chuyển sang thi máy tính. Vì người dân nghèo, sự công bằng, kỳ thi nên được tổ chức”, ông Dũng phân tích
“Qua ý kiến của các thành viên hội đồng, Bộ GD&ĐT tiếp thu và cho rằng phương thức thi tốt nghiệp THPT cần giữ ổn định. Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020. Học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo Bộ trưởng, những năm tiếp theo, kỳ thi sẽ thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính.
Dự kiến đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT công bố cụ thể phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận cuộc họp về nội dung liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đổi mới giáo dục nói chung và thi cử nói riêng là quá trình được bàn và xây dựng từ lâu.
“Đổi mới cần có lộ trình, 6 năm nay, việc đổi mới cơ bản đã hoàn thành. Bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện tốt và xét tuyển theo đúng tiến độ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.