Nàng Elsa xứ Arendelle là nhân vật hư cấu xuất hiện lần đầu trên màn ảnh trong Frozen (2013) - tác phẩm hoạt hình thứ 53 của xưởng phim hoạt hình Walt Disney Animation Studios. Nàng công chúa với sức mạnh tạo ra băng giá là sáng tạo của đạo diễn Chris Buck và Jennifer Lee, với nguồn cảm hứng từ nhân vật Bà chúa Tuyết trong truyện cổ tích cùng tên do Hans Christian Andersen chấp bút. |
Elsa cùng Anna là hai công chúa xứ Arendelle sớm mồ côi cha mẹ. Ngày thơ bé, vì không kiểm soát được sức mạnh, Elsa từng khiến Anna bị thương. Mang theo mặc cảm và nỗi sợ hãi mình sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng, Elsa tự tách mình khỏi Anna và thần dân vương quốc. Cô sống một mình trong lâu đài băng nơi đồng không mông quạnh. Trải qua nhiều biến cố lớn lao, với sự trợ giúp của Anna, Elsa dần mở lòng, học cách tự tha thứ và chấp nhận năng lực của mình như một món quà. |
Theo số liệu của The Numbers, Frozen (2013) được đầu tư 150 triệu USD và đạt doanh thu toàn cầu khoảng 1,27 tỷ USD. Năm 2019, hậu truyện Frozen II ra mắt với số vốn đầu tư tương đương nhưng doanh thu tăng lên 1,45 tỷ USD. Doanh thu ấn tượng sau sáu năm gián đoạn cho thấy sức hút của Frozen với khán giả đại chúng, đặc biệt là nhóm khán giả thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên, với các nhà phê bình điện ảnh, chất lượng của Frozen II đã sụt giảm. Phim nhận điểm số 78% trên Rotten Tomatoes so với 90% của phần phim đầu tiên. |
Tính đến nay, Elsa đã xuất hiện trong 5 bộ phim hoạt hình, gồm hai phim ngắn Frozen Fever (2015) và Olaf’s Frozen Adventure (2017) cùng ba phim dài Frozen, Frozen II và Raplh Breaks the Internet (2018). Ngoài doanh thu từ phòng vé, nàng công chúa băng giá còn mang về cho đế chế Disney nguồn lợi kinh tế khổng lồ từ các sản phẩm ăn theo. Tháng 12/2013, Disney tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm ăn theo Frozen như búp bê, quần áo, cốc chén, đồ trang trí, tranh truyện… Tới đầu năm 2014, các sản phẩm này đã được tiêu thụ hết. |
Tháng 11/2014, báo cáo kinh doanh của Disney cho thấy đã có hơn 3 triệu bộ đồ hóa trang các nhân vật trong Frozen được tiêu thụ tại Bắc Mỹ chỉ sau gần một năm. Số trang phục Elsa bán ra không chỉ chiếm tỷ lệ cao nhất so với các mẫu mã khác cùng lấy chủ đề Frozen mà còn là bộ đồ hóa trang đắt khách nhất lịch sử Walt Disney. Tạp chí Time công bố dữ liệu thống kê của Jezebel.com cho hay trên trang thương mại điện tử eBay, từ tháng 5/2013 tới tháng 4/2015, doanh thu từ các mặt hàng ăn theo nhân vật Elsa đạt hơn 3,39 triệu USD, cao nhất trong số các công chúa Disney. |
Tháng 7/2015, tức hai năm sau khi Frozen ra đời, thống kê của The New York Times cho thấy trong năm 2014, đã có hơn 1.131 em bé mới sinh tại Mỹ được đặt tên Elsa, giúp nó vươn lên vị trí thứ 286 trong dang sách 500 cái tên phổ biến nhất tại quốc gia này. Đáng nói, đây là lần đầu tiên cái tên Elsa xuất hiện trong top 500 kể từ năm 1917. The New York Times ví von sự kiện này là thời kỳ “bùng nổ em bé Elsa” hậu Frozen. |
Theo Wikipedia, từ năm 2015, Frozen đã được sử dụng để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho thiếu niên, nhi đồng. Hình tượng Elsa trên màn ảnh không chỉ truyền tải bức thông điệp về sự chấp nhận, trao quyền và hy vọng mà còn cho thấy nhiều biểu hiện của một người mắc bệnh tâm lý. Nhà tâm lý học Nadia Ali từ The Washington Post chỉ ra hành vi của Elsa tương đồng với nhiều bệnh nhân mình từng điều trị. Họ cố gắng kiểm soát và giấu giếm những dấu hiệu bất thường về tâm lý cũng như nỗi cô đơn khi tự tách mình khỏi cộng đồng. |
Trên cộng đồng Reddit, từng có một chủ đề thảo luận xoay quanh lý do Elsa được đông đảo khán giả yêu thích. Lý do hàng đầu được các người dùng (ở độ tuổi trưởng thành) đưa ra là họ tìm thấy sự tương đồng giữa câu chuyện của Elsa và hoàn cảnh của chính mình. Bình luận nhận được nhiều sự đồng tình hơn cả, đến từ tài khoản damocles2501, viết: “Tôi đoán rất nhiều người trưởng thành tìm thấy sự đồng cảm với Elsa. Cũng như cô ấy, chúng ta bị gò bó trong những kỳ vọng của xã hội về mình. Và ta cũng khao khát có được sức mạnh giống nàng, để vượt thoát và tìm thấy sự bình yên trong tâm trí và yên ấm bên gia đình”. |
Người dùng FawkesFire13 cho hay các cháu của mình yêu thích Elsa xinh đẹp, hát hay và có phép thuật. Người này cũng cho hay vì làm việc tại Disneyland, anh/cô ta được thấy trẻ em bày tỏ chúng thích Elsa vì dũng cảm, giúp chúng mỉm cười khi buồn và tiếp thêm cho chúng sức mạnh trước những quyết định khó khăn. “Một cách ngắn gọn, Elsa sở hữu sức mạnh khơi gợi sự đồng cảm ở khán giả theo nhiều cấp độ. Elsa là tiếng nói đã ở sẵn trong mỗi chúng ta, nhưng không phải lúc nào ta cũng đủ dũng cảm để sử dụng”, người này kết luận. |