Nạn giả người, giả giấy tờ công chứng ngày càng tinh vi, phức tạp, có vụ đã qua mặt các công chứng viên (CCV). Các nghi phạm đã thực hiện trót lọt nhiều vụ ủy quyền, mua bán, thế chấp nhà đất, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự giao dịch dân sự và an toàn xã hội.
Thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện
Tháng 10/2019, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã phạt hai bị cáo Lê Thị Mỹ Dung (55 tuổi) 13 năm tù, Lê Văn Trợ (63 tuổi) bảy năm tù, cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa buộc cả hai bị cáo liên đới bồi thường cho người bị hại hơn 4,9 tỷ đồng. Nếu hai bị cáo không có khả năng bồi thường thì Văn phòng công chứng (VPCC) Phú Nhuận, nơi công chứng hợp đồng ủy quyền, phải có nghĩa vụ bồi thường thay.
Cuối năm 2016, bà Vương Thị Hiền có đăng báo rao bán thửa đất ở quận 2, TP.HCM. Sau đó có người tên M. đến gặp bà Hiền hỏi mua đất và yêu cầu xem bản chính sổ hồng, các giấy tờ liên quan đến nhân thân và hẹn ngày quay lại đặt cọc. Sau đó M. cùng hai người khác nữa quay lại gặp bà Hiền và đánh tráo sổ hồng giả (đã chuẩn bị sẵn) để lấy bản chính sổ hồng thật.
Tiếp đó M. đưa sổ hồng cho bị cáo Dung thuê người đóng giả bà Hiền, còn bị cáo Trợ đóng giả chồng bà Hiền để ra công chứng ủy quyền bán đất. Dung nhờ CCV thuộc VPCC Phú Nhuận làm hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Thị Hồng Hạnh được toàn quyền quyết định đối với thửa đất của vợ chồng bà Hiền. Sau khi đăng bộ, sang tên xong thì thửa đất này được các nghi phạm làm giả bán lại cho người khác giá 7,5 tỷ đồng trong khi bà Hiền không hề hay biết.
Tháng 12/2016, khi chủ đất mới đi đăng bộ sang tên thì bà Hiền mới biết và yêu cầu ngăn chặn. Lúc này UBND quận 2 kiểm tra sổ hồng mà bà Hiền đang giữ thì mới biết đây là giấy giả, còn giấy thật đã bị đánh tráo. Bà Hiền gửi đơn tố cáo, công an khởi tố Dung, Trợ và tòa án đã xét xử như trên.
Một vụ khác xảy ra tại VPCC Lý Thị Như Hòa khi CCV không thể phát hiện việc giả người, giả giấy tờ công chứng. Theo đó, bị cáo Trần Văn Lắm (49 tuổi) đóng giả chủ đất ký bán, chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2014, chủ đất là ông Trần Văn Dinh gửi đơn tố giác đến Công an thị trấn Hóc Môn việc Lắm đóng giả ông ký công chứng chuyển nhượng đất cho người khác. Trước đó ông Dinh giao giấy tờ đất và ủy quyền cho một người tên Minh làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với thửa đất của mình. Nhưng sau đó ông Dinh bị mất liên lạc với ông Minh. Lúc này ông Dinh làm đơn cớ mất và xin cấp lại sổ hồng thì mới té ngửa rằng đất của ông đã bị chuyển nhượng cho người khác.
Đồng thời bên mua đất cũng làm đơn tố cáo bị cáo Lắm là người đóng giả ông Dinh để ký công chứng chuyển nhượng đất tại VPCC Lý Thị Như Hòa. Lắm đã trưng ra bản chính sổ hồng và các giấy tờ liên quan đến nhân thân như giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ khẩu, CMND mang tên Trần Văn Dinh (nhưng ảnh là của Lắm) để CCV làm thủ tục công chứng.
Với hành vi này, Lắm đã bị TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đối với VPCC Lý Thị Như Hòa thì bản án của tòa tuyên buộc có nghĩa vụ liên đới với bị cáo Lắm bồi thường số tiền 1,2 tỷ đồng cho người bị hại.
Hiện hai bản án trên đã bị hai VPCC Lý Thị Như Hòa và Phú Nhuận kháng cáo và đang chờ xét xử phúc thẩm.
Tòa tuyên xử công chứng phải liên đới bồi thường
Trong hai vụ án nói trên, cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ cơ sở xử lý hình sự các CCV đã công chứng hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng đất.
Bản án của tòa nhận định rằng CCV đã chưa thực hiện đầy đủ việc công chứng như tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định làm rõ tính xác thực của giấy tờ tùy thân nếu thấy chưa rõ hoặc nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch. Trường hợp không rõ nữa thì CCV có quyền từ chối công chứng theo Điều 35, 36 Luật Công chứng. Trong hai trường hợp trên, CCV đã không làm hết trách nhiệm nên VPCC có nghĩa vụ liên đới với bị cáo bồi thường thiệt hại.
Công chứng viên Trần Trọng Thư (người thực hiện công chứng) tại VPCC Lý Thị Như Hòa cho rằng ông đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một CCV khi công chứng hợp đồng nói trên. Tuy nhiên, ông đã bị bị cáo Lắm dùng thủ đoạn để gian dối, lừa đảo qua mặt cho dù ông đã kiểm tra giấy tờ kỹ, đầy đủ. Bởi giấy tờ được làm giả bằng phương pháp tinh vi nên ông không thể nhận biết được.
Về việc giám định muốn xác định thật giả, CCV Thư cho rằng ngoài việc phải trang bị phương tiện, máy móc hiện đại, cũng phải có mẫu phẩm để đối chiếu, so sánh và mất nhiều thời gian. Hiện nay công nghệ làm giả giấy tờ đạt đến mức tinh xảo, trong khi CCV bằng kinh nghiệm và mắt thường kiểm tra các giấy tờ rất khó phát hiện.
CCV Thư nhận định: “Bị cáo Lắm sử dụng giấy tờ giả là hành vi lừa đảo và bản thân CCV không thông đồng cùng bị cáo để chiếm đoạt tài sản. Cả cơ quan điều tra, VKS đều nhận định VPCC và CCV không có hành vi vi phạm nhưng tòa án lại tuyên phải liên đới bồi thường là không có cơ sở”.
Tọa đàm: Giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên
Sáng 8/11, Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của CCV”. Tham gia tọa đàm có lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM, Công an TP.HCM, nhiều tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM...
Xuất phát từ thực tế nhiều vụ làm giả giấy tờ, giả mạo người đi công chứng hợp đồng, giao dịch nhà, đất để chiếm đoạt tiền. Những giả mạo này nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ tài sản. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các tổ chức hành nghề công chứng đã chứng nhận các hợp đồng giả mạo và bị tòa tuyên xử phải bồi thường các thiệt hại phát sinh cho người bị hại.
Tọa đàm nhằm làm rõ nguyên nhân, các khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan và tiếp tục đề xuất các giải pháp để xử lý được sự giả mạo nói trên. Đồng thời, tọa đàm cũng thảo luận để xác định đúng trách nhiệm pháp lý của CCV, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Phát hiện mới một vụ giả mạo đi làm ủy quyền bán nhà đất
Chiều 7/11, Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận hồ sơ bàn giao của Phòng Công chứng số 2 về việc nghi ngờ giả mạo chủ sở hữu nhà trong một hợp đồng ủy quyền do Văn phòng công chứng (VPCC) Đào Xuân Tùng chứng nhận ngày 6/11.
Theo đó, Phòng Công chứng số 2 có tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà, đất số D25/17 ấp 11 (nay thuộc phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân). Người đi công chứng xuất trình hợp đồng ủy quyền, sổ hồng, tờ khai lệ phí trước bạ, CMND… Theo hợp đồng ủy quyền này, vợ chồng ông NVC là chủ nhà, đất trên đã ủy quyền cho bà N.T.H.H. (quận Tân Phú) được toàn quyền định đoạt nhà, đất của họ, kể cả được ủy quyền lại cho bên thứ ba và hủy các hợp đồng nêu trên.
Khi xác minh ngay và được biết hợp đồng này tuy thật nhưng có khả năng bị làm giả chủ nhà, đất để đi ủy quyền, Phòng Công chứng số 2 đã báo sự việc đến Công an phường 7, quận 5.
Ông Đào Xuân Tùng, Trưởng VPCC Đào Xuân Tùng, cho biết khi ký hợp đồng ủy quyền trên, công chứng viên của văn phòng không phát hiện ra dấu hiệu nghi ngờ giả chủ nhà, đất (vợ hoặc chồng) để làm ủy quyền. Khi ông hậu kiểm hồ sơ thì mới thấy nghi ngờ về chủ thể là cả hai bên (chủ nhà và người được ủy quyền ở quận nội thành nhưng lại đến huyện Cần Giờ để làm ủy quyền, vợ chồng đã ly hôn…). Lập tức VPCC này gửi đơn đề nghị Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM ngăn chặn chuyển nhượng và ủy quyền lại đối với hợp đồng ủy quyền nói trên để các tổ chức hành nghề công chứng khác cảnh giác.
Ông Tùng cũng cho biết ngay trong chiều qua, để có cơ sở xử lý, ông đã tìm đến căn nhà theo địa chỉ trong hồ sơ và cả địa chỉ thường trú của bên ủy quyền cùng bên được ủy quyền nhưng vẫn chưa tìm ra.