Quần đảo nhân tạo khổng lồ hình cây cọ của Dubai là một trong những biểu tượng cho khả năng không tưởng của vùng đất này.
Dubai từ một làng chài nhỏ bé ven biển đã được đầu tư trở thành một thành phố hiện đại. Tuy nhiên, chính phủ UAE nhận thức rõ sự không bền vững khi phát triển bằng dầu mỏ. Tiểu vương Mohammed, người trị vì Dubai, đã dành hơn hai thập kỷ qua để biến thành phố này thành điểm đến đẳng cấp thế giới, nơi có thể tồn tại mà không cần đến “vàng đen”. Ảnh: Conference.city.
Tuy nhiên, địa lý của Dubai gây cản trở không ít cho dự án phát triển này: toàn bộ tiểu vương quốc này chỉ có 60 km đường bờ biển. Những tòa cao ốc và khách sạn khổng lồ dọc mép nước tạo thành một bức tường khổng lồ. Ảnh: Educate Plus.
Bài toán đặt ra là làm cách nào để có thêm hàng trăm cây số bờ biển. Dubai đã giải quyết vấn đề này bằng cách xây dựng ba đảo nhân tạo lớn nhất thế giới. Ảnh: Travel&leisure.
Năm 1993, Dubai bắt đầu xây dựng hòn đảo nhân tạo đầu tiên - nơi đặt Burj Al Arab, khách sạn 7 sao nổi tiếng. Cấu trúc độc đáo này nổi bật giữa các tòa cao ốc xung quanh. Vị trí cách bờ 280 m khiến bóng của tòa tháp không ảnh hưởng tới các khu nghỉ dưỡng gần đó. Ảnh: Booking.
Sự thành công của Burj Al Arab mở đầu cho một kế hoạch táo bạo của Dubai: xây dựng quần đảo khổng lồ. Tiểu vương Mohammed nghĩ ra ý tưởng hình cây cọ để tối đa hóa các bất động sản có bờ biển. Nhánh cọ nhỏ nhất cũng dài gần 1,5 km với nhà cửa ở cả hai bên. Ảnh: Eikongraphia.
Công ty Nakheel nhận trách nhiệm xây dựng quần đảo cọ. Đảo nhỏ Palm Jumeirah có những cư dân đầu tiên từ năm 2007. Đảo Palm Jebel Ali đã hoàn thiện. Đảo lớn nhất, Palm Deira, vẫn đang trong quá trình lấn biển. Ảnh: Thousandwonders.
Việc xây dựng các đảo cọ được tiến hành từ 2001. Thợ lặn khảo sát đáy biển và các công nhân dựng một đê chắn sóng hình lưỡi liềm bằng đá. Phần đáy đê chắn sóng là một lớp cát được phủ vải địa kỹ thuật chống nước để tránh xói mòn. Các tảng đá nặng một tấn được đặt lên nền cát. Ảnh: Archirodon.
Trên cùng là hai lớp đá tảng, mỗi lớp nặng 6 tấn. Đê chắn sóng sẽ bảo vệ hòn đảo khỏi những cơn bão và thời tiết khắc nghiệp. Ảnh: My Travel Blog.
Bản thân các hòn đảo cọ được xây dựng bằng cát hút từ đáy biển. Palm Jumeirah được xây từ 94 triệu m3 cát biển. Ảnh: Hi-Shelter.
Để tạo hình đúng theo thiết kế, các nhà thầu đã sử dụng hệ thống định vị toàn cầu vi sai (DGPS). Cát được nén vào vị trí và cố định bằng hàng triệu tấn đá. Ảnh: Guiderepublic.
Palm Jumeirah giờ đã kín đặc biệt thự và khách sạn, nối với đất liền bằng đường hầm dưới biển 6 làn. Hòn đảo này đã tăng thêm 78 km bờ biển cho Dubai. Ảnh: Skift.
Palm Jebel Ali khởi công từ 2002, nhưng bị trì hoàn nhiều lần và giờ được coi là “dự án dài hạn”. Khi hoàn thiện, Palm Jebel Ali sẽ có diện tích gấp đôi Palm Jumeirah. Ảnh: RAU.
Dự án Palm Deira có kích cỡ gấp 8 lần Palm Jumeirah được công bố năm 2004. Tuy nhiên, sau đó dự án đổi thành quần đảo Deira gồm 4 đảo nhỏ. Cuối năm 2018, Night Souk - chợ đêm lớn nhất thế giới - với hơn 5.000 gian hàng, gần 100 nhà hàng và quán cà phê sẽ đi vào hoạt động. Ảnh: Al Bawaba.
Công ty Nakheel đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động của việc xây dựng đảo nhân tạo với môi trường, nhưng các công trình khồng lồ này vẫn để lại hậu quả không nhỏ. Lượng cát biển khổng lồ được hút lên xây các đảo đã thay đổi sóng, nhiệt độ và đặc trưng xói mòn ở vịnh Ba Tư. Đồng thời, nhiều rạn san hô đã bị phá hủy. Ảnh: Google Sites.
Sau thời kỳ phát triển nhờ dầu mỏ, Dubai hướng đến xây dựng mình trở thành một trung tâm giải trí và điểm đến toàn cầu. Du khách sẽ khám phá nhiều điều bất ngờ về thành phố này.
Với chi phí xây dựng lên tới 1 tỷ USD, công viên giải trí trong nhà lớn nhất thế giới IMG Worlds of Adventure là một trong những điểm tham quan hút khách mới của Dubai.