Sứa là loài nhuyễn thể, thân mềm. Loài sứa được Đông y dùng làm thuốc gọi là hải triết, còn có tên là thạch kính, thủy mẫu, chạp, xú bồ ngư, hải xá, thủy mẫu tiên. Con sứa cho ta hai vị thuốc là hải triết và hải triết bì. Chúng có nhiều tính năng tương đồng, nhưng mỗi thứ lại có một số tác dụng đặc thù, do đó người xưa mới phân chúng thành 2 vị thuốc riêng biệt.
Hải triếtLà bộ phận vòi miệng (khẩu uyển bộ) của con sứa. Theo Đông y, hải triết có vị mặn, tính ấm; đi vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, hành ứ hóa tích, sát khuẩn, chỉ thống, khai vị, nhuận tràng,... Chủ trị đàm thấu (ho nhiều đờm), háo suyễn (hen suyễn), bĩ tích trướng mạn (tích tụ trướng đầy), đại tiện táo kết; cước thũng (chân phù nề),...
Cách dùng và liều dùng: Sắc nước uống từ 30-60 g; hoặc trộn với gừng, giấm ăn.
Kiêng kỵ: Theo Bản thảo cầu nguyên: Người tỳ vị hàn nhược, không nên sử dụng..
Canh sứa biển chữa chứng tích trệ, đại tiện táo kết. |
Hải triết bì
Là phần thân bán cầu (tản bộ) phía trên thân con sứa. Còn gọi là bạch bì tử, bạch bì chỉ, thu phong tử, sá bì; la bì... Theo Đông y, hải triết bì có vị hàm sáp (mặn chát), tính ôn (tính ấm); đi vào kinh can. Có tác dụng hóa đàm, tiêu tích, trừ phong, trừ thấp. Chủ trị bĩ khối (khối u, hòn cục), đầu phong, khí hư bạch đới, đau xương bánh chè do phong thấp,...
Cách dùng: Sắc nước uống; hoặc trộn với rượu, gừng, giấm ăn. Dùng ngoài đắp lên chỗ bị bệnh.
Một số bài thuốc có sử dụng con sứa
Trị âm hư đàm nhiệt, đại tiện táo kết: Dùng hải triết 30 g, mã thầy 4 củ, nấu canh ăn. Dùng chữa người âm tinh hao tổn, hư hỏa bốc lên gây đàm nhiệt, đại tiện táo bón; Có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ - (theo sách Cổ phương tuyển chú: Tuyết canh thang)
Chữa các chứng tích trệ ở trẻ nhỏ: Dùng hải triết và củ mã thầy; mỗi vị dùng liều lượng thích hợp tùy theo tuổi, thêm nước, cùng nấu chín. Bỏ sứa, chỉ ăn củ mã thầy. Có tác dụng chữa trẻ nhỏ bụng đầy trướng, trong bụng có hòn cục, sưng hạch ... - (Theo sách Cương mục thập di).
Trị đầu phong: Dùng hải triết bì đắp lên hai huyệt thái dương - (theo Cương mục thập di). “Đầu phong” chỉ chứng bệnh đau đầu kinh niên, lúc phát lúc không, có chuyện xúc động là đau kịch liệt, da đầu tê dại, lan tới chân lông mày, mắt tối sầm, đầu không cất lên được. Nguyên nhân do phong hàn hoặc đờm tích hóa hỏa uất kết ở kinh lạc, khiến khí huyết ứ trệ gây nên.
Đau xương bánh chè do phong thấp: Dùng hải triết bì đắp lên đầu gối - (theo Cương mục thập di).
Chữa vô danh thũng độc: Dùng hải triết bì trộn với đường cát giã nhuyễn, đắp lên chỗ bị bệnh, ở giữa để hở một lỗ. Loại ung nhọt nặng thì sẽ vỡ mủ, loại nhẹ thì sẽ tiêu tan - (theo Y phương tập thính). “Vô danh thũng độc” chỉ các loại ung nhọt không rõ nguyên nhân.
Chữa lưu hỏa: Dùng hải triết bì đắp lên chỗ bị bệnh, thấy rát thì gỡ ra - (theo Cương mục thập di). “Lưu hỏa” còn gọi là “hỏa đan”, “đan độc” là chứng nhiệt độc cấp tính ở ngoài da. Vùng da có bệnh đỏ như son nên gọi là “đan độc”. Bệnh thường phát ở bắp chân và vùng mặt. Nơi mắc bệnh có từng mảng sưng đỏ, gồ cao hơn mặt da bình thường, có bờ rõ, bề mặt trơn bóng loáng, sờ thấy rắn chắc, vùng kế cận nổi hạch; kèm theo rét run, sốt cao, nhức đầu, đau khớp...