Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam xem như đã hoàn toàn thất bại, sau khi các nhà sản xuất như Mazda và Ford đã từ bỏ những dự án sản xuất ôtô từ 700 triệu đến 1 tỷ USD. Mới đây nhất, gã khổng lồ Toyota cũng tuyên bố sẽ cân nhắc ngưng lắp ráp ôtô ở Việt Nam. Làm gì để phát triển một ngành công nghiệp ôtô thành công?
Thái Lan đứng thứ 17 trên thế giới về sản lượng ôtô được sản xuất và có khoảng 2.000 nhà cung cấp linh phụ kiện trên thị trường.
Detroit của châu Á
Đó là khẩu hiệu của Thái Lan khi bắt đầu xây dựng nền công nghiệp ôtô. Detroit là thủ phủ ôtô của Mỹ, thuộc hàng lớn nhất thế giới. Câu khẩu hiệu này thể hiện tham vọng muốn trở thành một thủ phủ ôtô tại châu Á của Thái Lan.
Dù đây chỉ là thể hiện mơ ước hơn là thực tế, vì châu Á còn có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, đều vượt xa Thái Lan về công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, nhưng Thái Lan được đánh giá đã thành công khi sớm đạt được mục tiêu sản xuất 1 triệu xe vào năm 2005 (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch).
Số liệu về ngành công nghiệp ôtô ở Thái Lan cho thấy nước này đứng thứ 17 trên thế giới về sản lượng ôtô được sản xuất và có khoảng 2.000 nhà cung cấp linh phụ kiện trên thị trường. Năm 2004, Thái Lan sản xuất gấp 3 lần năm 1990 với gần 1 triệu xe ôtô, trong đó lượng xe tiêu thụ nội địa tăng gấp đôi so với năm 1990. Thái Lan đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ về sản xuất xe bán tải (pick-up), trong đó khối lượng sản xuất xe bán tải 1 tấn chiếm tới gần 60% xe thương mại của Thái Lan vào năm 2004.
Xuất khẩu của Thái Lan tăng đáng kể trong giai đoạn 1996-2004, bao gồm xuất khẩu xe nguyên chiếc (chủ yếu) và linh phụ kiện. 10 thị trường xuất khẩu xe tải và xe bán tải lớn nhất của Thái Lan là Australia, Italia, Bồ Đào Nha, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Hà Lan, Israel và Thụy Điển. 10 thị trường xuất khẩu xe khách lớn nhất là Bỉ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và Campuchia.
Hiện tại Thái Lan đang rất mạnh ở công đoạn sản xuất bộ phận, linh kiện (công đoạn C) và công đoạn lắp ráp (công đoạn D). Với tiêu chí tạo ra giá trị gia tăng cao và tìm kiếm thị trường ngách, một số doanh nghiệp tại Thái Lan đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu triển khai (công đoạn A), thiết kế (công đoạn B) và khai thác thị trường tiếp thị (công đoạn E).
Chiến lược từng giai đoạn
Để có được thành công đó, Thái Lan đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1970 đến 1990, chính phủ Thái Lan đã trợ giúp ngành ôtô xe máy thông qua nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là quy định về tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1990, định hướng của Chính phủ về những trợ giúp cho ngành thay đổi.
Điểm nổi bật nhất là không quy định về tỷ lệ nội địa hóa và chấp nhận cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính phủ Thái Lan tạo ra những kênh thông tin để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và cách thức mong muốn được trợ giúp của các doanh nghiệp. Việc am hiểu nhu cầu được thể hiện qua việc xây dựng một dự án với quy hoạch rõ ràng và hiện thực.
Xe pick-up được xem là nền tảng phát triển ban đầu của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan |
Sang giai đoạn 2000-2010, Thái Lan lại có chiến lược mới, được thể hiện trong “Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp ôtô-xe máy Thái Lan”, với 2 điểm nổi bật. Đó là Viện Ôtô-xe máy Thái Lan đã xây dựng được một khung phân tích rõ ràng và thúc đẩy sự tham gia của các nhóm lợi ích liên quan quá trình xây dựng quy hoạch. Việc phân tích, diễn giải các dữ liệu thu thập được không chỉ được thực hiện trong nội bộ nhóm nghiên cứu, mà còn nhận được ý kiến chuyên gia từ khu vực nhà nước và tư nhân, từ các nhà hoạch định chính sách, hiệp hội và doanh nghiệp.
Khi thực hiện quy hoạch, ban đầu Thái Lan cũng băn khoăn về vấn đề bảo hộ ngành sản xuất linh phụ kiện nội địa. Tuy nhiên, những băn khoăn này nhanh chóng tan biến khi Chính phủ xác định rõ ngành công nghiệp ôtô Thái Lan phải cạnh tranh quốc tế và Chính phủ tôn trọng quyết định mua sắm của các nhà sản xuất, lắp ráp…
Thực tế cho thấy khi ngành công nghiệp ô tô Thái Lan phát triển, các nhà cung cấp mang quốc tịch Thái Lan cũng phát triển. 2 chiến lược chính được nêu ra trong quy hoạch ôtô của Thái Lan là: (i) chiến lược tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và có thể dự báo; (ii) chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của các ngành linh phụ kiện ôtô. Trong kế hoạch hành động, các dự án hỗ trợ cho từng mục tiêu cũng được nêu ra bao gồm 8 dự án hỗ trợ chiến lược thứ nhất và 7 dự án hỗ trợ chiến lược thứ hai.
Ưu đãi đúng chỗ
Một số nhà phân tích tin rằng thành công của ngành công nghiệp Thái Lan là nhờ áp dụng các chính sách đặc biệt để kích thích thị trường và thu hút các nhà sản xuất ôtô nước ngoài. Trong đó, nổi bật là 4 chính sách ưu đãi: Thứ nhất, ưu đãi thuế nội địa cho dòng xe pick-up 1 tấn. Thuế đối với xe chở khách thông thường 30-50%. Thuế áp cho pick-up loại 1 tấn (và dung tích động cơ nhỏ hơn 3,25 lít) chỉ 3%. Mục đích của việc ưu đãi thuế này nhằm tập trung phát triển dòng xe chiến lược trong thời kỳ đầu phát triển của công nghiệp ô tô phù hợp với điều kiện sử dụng và kinh tế của Thái Lan; đồng thời là dòng xe ít chịu sự cạnh tranh của nước khác.
Thứ hai, chính sách phát triển xe thân thiện môi trường (eco-car). Các nhà sản xuất ô tô tiến hành đầu tư sản xuất xe eco-car được hưởng các ưu đãi theo quy định rất cụ thể, chi tiết. Điều kiện ưu đãi đối với doanh nghiệp và dự án phải đạt các yêu cầu: động cơ xăng dung tích dưới 1,3 lít; động cơ diesel dung tích dưới 1,4 lít; tiêu hao nhiên liệu dưới 5 lít/100km; phát thải CO2 dưới 120g/km; đạt tiêu chuẩn Euro 4; đạt tiêu chuẩn UNECE 94-95 về an toàn.
Thứ ba, khuyến khích sản xuất các dòng xe cỡ nhỏ. Điều kiện để dược khuyến khích và ưu đãi là doanh nghiệp, dự án phải có số tiền đầu tư trên 450 triệu USD; sản lượng tối thiểu 100.000 xe trong vòng 5 năm. Khi đó, doanh nghiệp hoặc dự án sẽ được miễn 5 năm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị. Thứ tư, khuyến khích đầu tư sản xuất các loại xe tương lai, sử dụng công nghệ mới.