Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nhân nhập cư Hà Lan phải quỳ ngậm lá đơn xin nghỉ phép

Nhiều công nhân tại các nhà máy của công ty chế biến thịt Van Rooi (Hà Lan) cho biết họ phải làm việc đến kiệt sức, bị đối xử như con vật và lạm dụng cả thể chất lẫn tinh thần.

Zing trích dịch bài viết của The Guardian về việc công nhân là người nhập cư tại các nhà máy chế biến thịt ở Hà Lan phải lao động đến kiệt sức trong điều kiện tồi tệ. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặt tối của ngành công nghiệp nước này càng bị phơi bày.

Theo cuộc điều tra của GuardianLighthouse Reports, nhiều công nhân người Romania và Ba Lan của công ty Van Rooi Meat (Hà Lan) đang phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Họ không có biện pháp bảo vệ trước virus corona và lo sợ khi khai báo tình trạng sức khỏe.

Mắc kẹt trong công việc tồi tệ khiến họ cảm thấy bản thân trở nên vô giá trị.

"Thấy mình bị đối xử như con vật"

“Chúng tôi thấy mình bị đối xử như con vật. Tất cả đều không hài lòng với điều kiện làm việc nhưng mọi người sợ lên tiếng”, “Tôi cảm thấy mình không có giá trị” - các công nhân nói.

Hà Lan là cường quốc lương thực, nơi xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 sau Mỹ. Đây là nước xuất khẩu thịt lớn nhất tại Liên minh châu Âu và là quốc gia có công ty chế biến thịt lớn nhất châu Âu.

Nhưng mảng tối của ngành công nghiệp chế biến thịt đang bị phơi bày khi dịch Covid-19 bùng phát, theo đại diện công đoàn.

cong nhan kho so anh 1

Công ty chế biến thịt Van Rooi bị công nhân tố ép họ làm việc trong điều kiện tệ hại và lạm dụng cả thể chất lẫn tinh thần.

Khoảng 80% công nhân ngành này đến từ vùng Trung Âu và Đông Âu, do đại lý tạm thời tuyển dụng, thay vì được nhận trực tiếp bởi các công ty. Theo John Klijn, đại diện Liên đoàn Công đoàn Hà Lan (FNV), những người này bị coi là “công nhân hạng hai”.

Các hợp đồng tạm thời, thiếu quy định rõ ràng về chế độ làm việc khiến họ trở thành “con tin”, buộc phải chấp nhận các yêu cầu không phù hợp do đại lý áp đặt, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty thịt trốn tránh trách nhiệm.

Nhiều công nhân nói rằng họ áp lực vì “phải làm việc vượt quá giới hạn về sức khỏe”, bị lạm dụng bằng lời nói và đe dọa.

“Mỗi tuần, chúng tôi bị ép làm việc như trâu ngựa cho tới khi kiệt sức và gục xuống”, Anna, công nhân của nhà máy, nói.

“Ngay cả khi chúng tôi làm quần quật 12 tiếng, họ cũng chẳng xem ra gì. Họ coi chúng tôi như thứ không có chút giá trị. Mọi người bị đối xử tồi tệ. Tôi đã chịu đủ áp lực và căng thẳng rồi”, công nhân tên Max kể anh từng bị người quản lý làm nhục.

Một công nhân khác cho biết từng bị các giám sát viên người Hà Lan xô ngã và túm cổ. Anh còn chứng kiến một đồng nghiệp của mình phải quỳ gối trong khi ngậm lá đơn xin nghỉ phép trong miệng.

“Họ không thèm để ý đến người làm công đâu”, công nhân tên Joe khẳng định. Anh nói thêm những lao động như anh đã bất lực trong việc cố gắng vượt qua điều kiện làm việc tồi tệ.

Trước những phản ánh trên, công ty Van Rooi Meat nói họ không hề biết đến các trường hợp kể trên hay việc người lao động bị lạm dụng bằng lời nói.

“Chúng tôi hy vọng các bạn có thể đến gặp, trao đổi để chúng ta giải quyết triệt để vấn đề này”, đại diện công ty nói.

Công ty này không đồng ý với chuyện lao động bị đối xử như con vật song thừa nhận công việc ở đây đòi hỏi áp lực lớn. “Đây là công việc họ phải làm quen. Những vị trí khó nhất do người có thâm niên từ 8-10 năm đảm nhận. Điều đó chứng tỏ khi đã quen việc, người ta sẵn sàng ở lại với chúng tôi”.

“Chúng tôi thấy mình đối xử đúng mực với người lao động và luôn cởi mở để đối thoại. Hiện, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi cung cấp cho họ đồ ăn và nước uống miễn phí”, đại diện công ty cho biết thêm.

cong nhan kho so anh 2

Các công ty chế biến thịt tại Hà Lan tuyển nhân sự thông qua đại lý tạm thời để tránh trách nhiệm.

Mảng tối bị phơi bày trong mùa dịch

Các công nhân được hỏi tại cả hai nhà máy của Van Rooi đều nói rằng họ cảm thấy không an toàn trong mùa dịch. Các lò giết mổ động vật đã trở thành “điểm nóng bùng dịch” tại một số quốc gia như Ireland, Đức, Brazil và Mỹ.

Tại Hà Lan, dịch đã bùng phát ở một số cơ sở khác nhau của Van Rooi, trong đó có nhà máy tại Helmond, buộc những nơi này phải đóng cửa khi có công nhân dương tính với virus corona.

Những người lao động tại đây cho biết họ thiếu các biện pháp an toàn mùa dịch. Max nói anh nhận được rất ít thông tin cảnh báo. Ngay cả khi những người đầu tiên bị bệnh, không có biện pháp phòng, chống dịch nào được thực hiện. Nhiều công nhân có dấu hiệu ốm đau vẫn phải làm việc mà không có phương án giãn cách xã hội.

Các biện pháp phòng dịch được cải thiện hơn từ khi nhà máy ở Helmond mở cửa trở lại. Tuy nhiên công nhân phản ánh các quy định đó không được áp dụng nhất quán, trừ lúc bị kiểm tra.

Ngược lại, đại diện Van Rooi Meat nói với Guardian rằng họ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết, thuê cả nhân viên an ninh để hỗ trợ thực hiện giãn cách và đảm bảo người ốm phải ở nhà. Công ty cho biết đã chi hàng trăm nghìn euro cho việc phòng dịch và không có ca nhiễm nào từ ngày 9/6 tới nay.

“Chúng tôi không có lý do gì phải sợ hãi. Công ty không muốn có người bị ốm lây nhiễm cho những người khác, gây gián đoạn trong hoạt động của nhà máy”.

Cơ quan y tế cho biết Van Rooi hiện đáp ứng tất cả các yêu cầu, bao gồm đánh giá sức khỏe hàng ngày.

Tuy nhiên, các công nhân lại nói rằng họ không dám điền vào mẫu khai báo một cách trung thực vì sợ phải cách ly, không được trả lương, thậm chí mất việc. Nói với hãng truyền thông Hà Lan NOS, một số công nhân thừa nhận họ đã nói dối khi điền vào mẫu đơn khai báo.

Nguyên nhân là các đại lý tạm thời có thể đơn phương sa thải các lao động này mà không cần báo trước, kể cả khi họ ốm đau.

Những đại lý này tuyển dụng người từ Ba Lan, Romania và Bulgaria để cung cấp nhân sự cho nhiều công ty thịt trong nước. Người lao động được đại lý sắp xếp chỗ ở, phương tiện đi lại, đóng bảo hiểm y tế và trừ các chi phí đó vào lương.

Jan Cremers, nhà nghiên cứu luật lao động tại ĐH Tilburg (Hà Lan), lập luận rằng điều này khiến người lao động “phụ thuộc 100%” vào các đại lý nhân sự.

Không ít người nhận định việc sử dụng rộng rãi đại lý tạm thời cho phép nhiều công ty chế biến thịt tránh được trách nhiệm về việc làm và điều kiện làm việc. “Họ đã tìm được cách lách luật để ném trách nhiệm qua hàng rào”, Cremers nói.

John Klijn nói thêm: “Họ (các công ty thịt) không thực sự quan tâm xem người lao động nhập cư có cuộc sống tốt hay không”. Ông cho biết thêm bất chấp việc công đoàn nêu ra những vấn đề trong nhiều năm qua, các công ty thịt, nông dân và “những người có tiền” vẫn phản kháng mạnh mẽ trước chuyện cải cách cơ cấu lao động.

Xe 0 đồng chở bà bầu đi đẻ mùa dịch ở Đà Nẵng

Những chuyến xe miễn phí của nhóm anh Trần Ngọc Vũ đã giúp hàng chục bà bầu vào viện sinh con và đưa họ về nhà an toàn trong thời gian Đà Nẵng giãn cách xã hội.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm