Show thời trang nam Thu/Đông 2023 của Louis Vuitton được đánh giá là một màn trình diễn đẳng cấp. Ảnh: Louis Vuitton. |
Tháng 1 vừa qua, buổi trình diễn thời trang nam Thu/Đông 2023 của Louis Vuitton được tổ chức tại bảo tàng Louvre trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris (Pháp).
Ông lớn ngành hàng xa xỉ đã dựng một nhà kho tạm với sức chứa lớn cho sự kiện này. Điểm nhấn của chương trình là sự góp mặt của hàng loạt ngôi sao nổi tiếng toàn cầu như J-Hope (BTS), Jackson Wang, rapper Tyga…
Bên cạnh đó, nhà mốt còn nâng tầm buổi diễn với màn ca hát trên nóc xe hơi của Rosalía - ngôi sao nhạc pop từng đoạt giải Grammy. Trong giai điệu flamenco, rap và pop sôi động, những người mẫu diện trang phục đặc trưng của hãng đứng quanh sân khấu với phong thái đầy kiêu hãnh.
Ngay cả theo tiêu chuẩn của thế giới thời trang cao cấp, show thời trang này vẫn là một màn trình diễn đỉnh cao. Và đó cũng được xem như bằng chứng cho thấy chiến lược kinh doanh của Louis Vuitton đã thực sự thành công, theo WSJ.
Tận dụng thời thế
Cũng trong tháng 1/2023, nhóm túi xách của Louis Vuitton được thông báo đạt doanh thu 20 tỷ USD vào năm 2022.
Doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự bùng nổ chi tiêu xa xỉ kể từ sau đại dịch. Những người mua sắm, vốn đã chắt bóp quá lâu trong giai đoạn giãn cách xã hội, quyết định phóng tay cho túi xách và giày dép.
Đồng thời, việc tăng giá thường xuyên đã giúp tăng thêm sức mạnh cho tăng trưởng doanh thu của Vuitton.
Sự tăng trưởng chóng mặt của Louis Vuitton đã giúp đẩy công ty mẹ của thương hiệu này lên mức định giá lớn nhất trên thị trường chứng khoán ở châu Âu. Nó cũng vừa biến nhà sáng lập Bernard Arnault trở thành người giàu nhất thế giới, vượt mặt cả Elon Musk.
Các outfit trong show diễn mới của Louis Vuitton được đánh giá cao về yếu tố sáng tạo. Ảnh: Louis Vuitton. |
Cho đến nay, Vuitton đã làm đảo lộn sự khôn ngoan thông thường của ngành công nghiệp xa xỉ, nơi mà sự lắt léo xung quanh quy mô lớn hơn đang lan rộng. Đây được xem như sự tương phản rõ rệt với các lĩnh vực như hàng không, công nghệ và ngân hàng.
Quy mô này cho phép nhà mốt tiếp tục phát triển với việc cải tạo và mở rộng cửa hàng trong những năm đại dịch 2020 và 2021, bao gồm các địa điểm mới ở Tokyo (Nhật Bản) và Miami (Mỹ).
Nó giữ cho bộ máy tiếp thị của Louis Vuitton vận hành mạnh mẽ, triển khai các chiến dịch quảng cáo lớn vào thời điểm mà nhiều đối thủ cạnh tranh đang cắt giảm chi phí.
Nhưng quy mô của Vuitton cũng đi kèm với rủi ro. Các thương hiệu xa xỉ có thể đưa ra mức giá cao hơn bằng cách tạo ra hào quang về tính độc quyền và độc đáo xung quanh các sản phẩm của họ, thường được liên kết với di sản của thương hiệu. Điều đó có thể khó thực hiện hơn khi các thương hiệu phát triển thành những người khổng lồ.
“Đừng để vấn đề tầm cỡ cản trở mọi thứ. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng”, ông Arnault nói về cách giải quyết thách thức trong buổi trình bày kết quả kinh doanh của LVMH hồi tháng 1/2023.
Kết hợp văn hóa và kinh doanh
Theo WSJ, Louis Vuitton nổi trội trong những năm 1990 và 2000 nhờ bán được một số lượng sản phẩm tương đối nhỏ.
Người tiêu dùng xếp hàng mua túi xách Monogram và Damier hàng năm. Nhưng càng về sau, những người tiêu dùng giàu có dần chuyển sang thương hiệu cao cấp khác như Chanel và Hermès.
Nhận ra mối đe dọa, Louis Vuitton hướng tới thị trường đẳng cấp hơn. Vào năm 2014, gần một nửa số túi xách của hãng có giá dưới 1.500 euro, tương đương khoảng 1.600 USD. Theo các nhà phân tích tại Bernstein, đến năm 2021, chỉ còn 1/5 số túi xách của họ có giá dưới mức này.
Mẫu túi Capucines MM nổi tiếng hiện được bán với giá 7.700 USD. Ảnh: Louis Vuitton. |
Một ví dụ về điều này là chiếc túi Capucines. Được ra mắt vào năm 2013, sản phẩm được xem là nỗ lực của nhà mốt trong việc giảm bớt sự tập trung vào những chiếc túi xách bằng vải bạt. Từ đó, họ điều hướng chú ý sang những chiếc túi được làm từ chất liệu da độc đáo.
Ở thời điểm hiện tại, túi Capucines mới có giá khoảng 6.900 USD. Trong khi đó, mẫu chấm bi với sự hợp tác của nhà thiết kế Yayoi Kusama lên đến 7.100 USD.
Sản phẩm da trăn, thằn lằn cũng xuất hiện với số lượng hạn chế, hiếm được trưng bày ở các cửa hàng. Đồng thời, nhân viên kinh doanh bắt buộc đeo găng để giới thiệu, giao dịch hàng hóa thuộc nhóm này.
Từ đây, Louis Vuitton cũng điều chỉnh lại đường lối phát triển. Thay vì cố gắng trở thành công ty thống trị hàng da thuộc, họ tập trung trở thành người dẫn đầu mảng tiêu dùng xa xỉ.
Chiến lược của Vuitton cũng kéo theo sự kết hợp nhanh chóng giữa văn hóa và thương mại.
Bộ sưu tập đánh dấu sự kết hợp giữa Vuitton và Supreme gây bất ngờ với giới mộ điệu thời trang. Ảnh: Yannis Vlamos/Indigital.tv |
Vào năm 2017, Vuitton gây tiếng vang khi hợp tác với thương hiệu thời trang đường phố đình đám Supreme.
Theo Jian DeLeon, giám đốc biên tập và thời trang nam Nordstrom, đây là “khoảnh khắc quan trọng đầu tiên, chứng minh những điều trước đây tưởng chừng không thể lại trở thành khả thi”.
Benjamin Simmenauer, Giám đốc nghiên cứu tại Institut Francais de la Mode, nói: “Sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, kết hợp với ý thức nắm bắt thời thế của Vuitton mang đến cho thương hiệu một hào quang hiện đại hơn so với các công ty xa xỉ truyền thống khác”.
Bên cạnh đó, nhà mốt cũng cố tình hạn chế nguồn cung để duy trì cảm giác độc quyền. Thương hiệu thực hiện quy trình sản xuất nhỏ cho các sản phẩm trong mỗi bộ sưu tập.
“Sản phẩm vẫn được ưa chuộng bất kể số lượng hạn chế đến mức nào. Cái khó lớn nhất với Louis Vuitton là phải biết tiết chế, chống lại cám dỗ khi doanh số bán hàng tăng cao quá dễ dàng.
Còn lại, họ không gặp khó khăn gì với đế chế vững vàng như hiện nay”, một cựu giám đốc điều hành của ông lớn thời trang khẳng định.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.