Đúng như những gì người xem mong đợi, đêm diễn No.7 - Cám ơn Sài Gòn của nhà thiết kế Công Trí khiến người xem ''no mắt'' bởi những thiết kế ứng dụng đầy sáng tạo. Có lẽ với Công Trí, đây là một trong những show diễn dành trọn cho những sản phẩm ứng dụng nhiều nhất trong suốt chặng đường 10 năm làm nghề.
Đúng với dụng ý của nhà thiết kế, khi người xem thưởng thức 3 BST của anh, họ như chìm vào không gian hoài cổ của những thập niên trước, nơi có những con phố cổ rêu phong, những tiếng rao thâu đêm, suốt sáng. Để rồi, những hồi tưởng về Sài Gòn đậm thi vị dần hiện lên trên những tấm bảng đèn chiếu sân khấu, một khoảng không của Sài Gòn ở thập niên 70 hiện hữu, chứa đựng nhiều ý nghĩa như anh từng nói: ''Tôi thực hiện bộ sưu tập No.7 này dành riêng cho Sài Gòn. Hơn 10 năm làm việc, học hành ở đây, tôi đã trải qua không ít mệt mỏi, chán nản, thất vọng… Nhưng những lần ấy thật ra cũng chỉ là những khoảng ngắn giữa quãng thời gian dài tôi được cảm giác cưu mang, hạnh phúc.
Nếu có một nơi nào đó cho tôi nhiều cơ hội, tình cảm và nhiều bất ngờ nhất trong cuộc sống của mình, đó chính là Sài Gòn. Tôi nhớ rằng mình chưa bao giờ nói lời cám ơn nơi ở thân thuộc này''.
Lời mở trong phần giới thiệu show diễn cũng chính là ý nghĩa của đêm thời trang No.7- Cám ơn Sài Gòn, nơi Công Trí chưa bao giờ nói lời cám ơn, thì chính show diễn này, anh đã gói trọn tấm tình cảm của mình để thổi vào những thiết kế mang đậm hồn Việt.
No.7 - Cám ơn Sài Gòn như gói trọn tình cảm của NTK dành cho mảnh đất mà anh gắn bó hơn 10 năm. |
BST đầu tiên lấy cảm hứng từ những gì gần gũi nhất với cuộc sống của người Việt Nam. Đó chính là mây, tre, nứa - nơi bắt nguồn cuộc sống, công việc quen thuộc của người dân Việt. Công Trí khéo léo đưa những chi tiết rất gần gũi này vào những thiết kế của anh bằng cách sử dụng chất liệu đan lát trên nền vải cứng. Chi tiết đan lát được lặp đi lặp lại trong hơn 20 mẫu váy áo. Điểm nhấn nhá được thay đổi sinh động, khi ở thân áo, một số ở tay, cổ áo, chân váy… Tất cả đều được đong đếm, tính toán kỹ lưỡng tạo thành tổng thể xuyên suốt bao trùm toàn đêm diễn. Ngay từ lúc mở màn, BST đầu tiên đã nói lên phần nào ý nghĩa mà NTK muốn gởi gắm.
Hình ảnh truyền thống Việt Nam được tái hiện rõ nét ngay từ BST đầu tiên. |
Ý tưởng từ mây, tre, nứa tiếp tục được Công Trí sử dụng trong BST váy dạ hội, tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chất liệu. Nếu những trang phục dạo phố được thiết kế trên chất liệu cứng cáp của dũi, cotton, dạ… thì chiffon, lụa là chất liệu chính được anh sử dụng xuyên suốt 15 mẫu váy dạ hội lộng lẫy và thướt tha. Khác với phong cách dạ hội cầu kỳ và đi vào chi tiết thường thấy ở những mẫu váy sang trọng của Công Trí. Lần này, anh chú trọng sự tối giản, anh hạn chế việc phối hợp nhiều chất liệu trên một mẫu váy. Thay vào đó, gam màu trơn được nhà thiết kế tái sử dụng khá hiệu quả, đồng thời anh cũng lược bỏ hẳn những chi tiết cầu kỳ, tỉ mỉ thuộc sở trường.
Trang phục dạ hội được làm mới với đường nét đơn giản nhưng vẫn đậm tính dân tộc với điểm nhấn nhá rất truyền thống. |
BST dạ hội này đã đánh dấu sự chuyển mình thành công của nhà thiết kế họ Nguyễn đến với phong cách tối giản. Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận rằng, những thiết kế của Công Trí vẫn để lại những dấu ấn riêng khi nhà thiết kế biết đặt trọng tâm của trang phục ở phần thân áo, toàn bộ những điểm nhấn sáng tạo được sắp xếp có ý đồ trên phần ngực áo, eo váy ôm sát, tôn vinh đường cong cơ thể và những điểm nhấn của cách phối chất liệu và đường cắt may hoàn hảo. Phần chân váy được buông nhẹ mềm mại đầy quyến rũ. Với những sự phối hợp ăn ý về chất liệu và kiểu dáng, những thiết kế dạ hội của Công Trí dễ dàng phù hợp với nhiều lứa tuổi, trong nhiều hoàn cảnh, không gian.
Có lẽ, BST cuối cùng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt nhất. Khác với những show thời trang áo dài thông thường, Công Trí làm mới trong cách thể hiện và trình diễn. Vẫn giữ được phom dáng truyền thống nhưng anh khéo léo trong cách xếp đặt họa tiết. Những mảng màu và con phố Sài Gòn được in đậm trên phom áo cũ. Hơn 20 mẫu áo dài được trình diễn trên một nền nhạc hiện đại, cách trình diễn chưa từng có tại Việt Nam đã đem lại sự hưng phấn, tươi vui cho người thưởng thức.
Những ký ức của Sài Gòn thập niên 70 của Công Trí và người dân Việt được khắc họa rõ nét trong hơn 20 mẫu áo dài. |
Phần xuất hiện của Hồ Ngọc Hà với vai trò DJ là điểm nhấn tạo nên sự bất ngờ và đầy thú vị đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc. Khác với sự chờ đợi của người hâm mộ, Hà Hồ sẽ xuất hiện nóng bỏng trên sân khấu thời trang như những DJ nóng bỏng hiện nay. Tuy nhiên, màn xuất hiện này không như tưởng tượng của nhiều người xem trước đó, giọng ca Nỗi nhớ đầy vơi diện một thiết kế áo dài nằm trong BST cuối, cô trình diễn màn chơi DJ điêu luyện. Dàn người mẫu bước lên sân khấu trong tiếng nhạc hiện đại pha lẫn là tiếng rao được tạo âm kéo dài vô cùng ấn tượng.
Hình ảnh Thanh Hằng diện áo dài trắng chốt màn show diễn để lại ấn tượng về sự đơn giản, nguyên sơ. |
Phần trình diễn kết thúc show thuộc về 2 vedette Thanh Hằng và Hồ Ngọc Hà. Cả hai đều là những tên tuổi đình đám và gắn liền với thương hiệu Công Trí hơn 10 năm nay, vì thế sự xuất hiện của hai vedette ở cuối show diễn thêm phần ý nghĩa và chất lượng.
Có thể nói, No.7 - Cám ơn Sài Gòn của Công Trí rất khác biệt với những show diễn trước. Nếu show thời trang No.5, No.6 giới thiệu những thiết kế mang đậm tính nghệ thuật cao, tính tỉ mỉ và tính mỹ thuật vượt trội thì No.7 đề cao tính ứng dụng, bắt kịp xu hướng thế giới. Tuy nhiên không vì thế mà BST mất đi tính truyền thống. Đây là điểm sáng tạo mà Công Trí và ê-kíp của anh đặc biệt chú trọng khiến người xem không thể không hài lòng về một show diễn quy tụ những yếu tố dân tộc mà vẫn theo nhịp chung của xu hướng thế giới.
Nhà thiết kế muốn khẳng định dù hướng đến tính ứng dụng, đáp ứng được những tiêu chí thời trang quốc tế nhưng tiêu chí tinh thần dân tộc vẫn được đề cao. Đây cũng chính là thế mạnh giúp Công Trí luôn giữ vững vị trí nhà tạo mốt hàng đầu tại Việt Nam.
No.7 - Cám ơn Sài Gòn được gói trọn trong 45 phút thực sự để lại những ấn tượng khó quên. Show diễn ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa.