- Sự kiện anh được mời tham dự triển lãm thời trang cao cấp ở Italy thực sự là một tin vui đối với các tín đồ thời trang trong nước. Sau hai lần trước “ra quân” khá thành công tại London (Anh), anh có thể chia sẻ thêm về chuyến đi lần này?
- Triển lãm Origin - Passion & Belief do tập đoàn Fiera Di Vicenza tổ chức. Họ chuyên tổ chức các sự kiện cao cấp về trang sức của Italy, và sở hữu trang web về thời trang đương đại notjustalable.com, nơi tập trung hơn 14.000 NTK trên khắp thế giới. Đây là một sự kiện gặp gỡ giao lưu giữa các đơn vị thiết kế trang phục, phụ kiện nhằm chấn hưng dòng thời trang xa xỉ này. Tôi được chọn bởi đáp ứng được tiêu chuẩn họ đặt ra về chuyên môn, nên đây là một cơ hội tốt để thế giới thiệu với bạn bè quốc tế những “đặc sản” của mình.
- Việc anh được lựa chọn vào danh sách 100 từ hơn 14.000 NTK thời trang đương đại để tham dự triển lãm là một vinh dự lớn không chỉ với riêng anh mà cả với thời trang Việt Nam. Anh có áp lực hay lo lắng nào đặc biệt cho BST sẽ giới thiệu tại Ý?
- Ban đầu tôi cũng có chút băn khoăn về việc lọt vào danh sách 100 NTK được mời tham dự triển lãm tại Ý lần này, hơn nữa tôi cũng băn khoăn về việc sẽ làm gì để họ thấy rằng đại diện đến từ Việt Nam cũng rất “đáng gờm”, dẫu vẫn biết rằng so với chiều dài lịch sử phát triển ngành công nghiệp thời trang và dòng haute couture của họ, mình còn quá non trẻ. Nhưng cũng không vì thế mà tôi bớt tự tin, bởi người ta đã tin tưởng chọn, mình sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất có thể.
- Anh sẽ mang đến Italy cảm hứng sáng tạo hay kỹ thuật đặc biệt nào để không bị nhạt nhòa trước rất nhiều tài năng đến từ khắp nơi trên thế giới?
- Đây là một sự kiện quan trọng nên chắc chắn tôi sẽ mang đến nhiều kỹ thuật tinh tế nhất của Haute Couture mà từ trước đến nay tôi vẫn làm trong những BST của mình. Lúc đầu tôi chỉ phân vân sẽ mang đến hình ảnh nào đó hoàn toàn thuần Việt để giới thiệu bản sắc của mình với thế giới. Tuy nhiên cuối cùng tôi quyết định chọn “nước” là chủ đề chính. Đây là một chủ đề quen thuộc mà cuộc thi Aquafina Pure Fashion diễn ra hằng năm chọn lựa cho các thí sinh tranh tài. Đây cũng là cuộc thi mà tôi có vinh dự được ngồi ghế giám khảo suốt nhiều năm qua. Nước là một đề tài mà nhà thiết kế sẽ có nhiều cơ hội sang tạo cho đến tận cùng, sau nhiều năm làm việc cùng Aquafina Pure Fashion. Đây là thời điểm mà tôi cảm thấy chín mùi và thích hợp nhất để làm BST về nước cho riêng mình. Vận dụng nhiều kỹ thuật couture, trong đó có một số cách làm mang tính thủ công truyền thống và liên quan đến Việt Nam, tôi muốn mang đến một tổng thể vừa có tính đương đại, tiệm cận xu hướng thế giới, nhưng cách thể hiện vẫn phảng phất tinh thần truyền thống.
- Chúng ta vẫn hay bàn đến việc giữ gìn những giá trị truyền thống trong thời trang hiện đại, đồng thời vẫn không muốn bị nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thời trang quốc tế. Anh cân bằng hai yếu tố trên trong công việc thiết kế của mình như thế nào?
- Tôi nghĩ điều này thuộc về sở thích và định hướng của mỗi nhà thiết kế. Có người luôn tìm thấy cảm hứng sáng tạo từ những hoa văn hoạ tiết truyền thống, những nét đẹp từ những gì thuộc về lịch sử, bản sắc dân tộc để tạo nét đặc trưng riêng. Riêng tôi lại muốn tiếp cận những giá trị thuộc về bản sắc, truyền thống bằng góc nhìn đương đại, áp dụng những kỹ thuật mới, xu hướng mới mà thế giới đang làm để sản phẩm của mình mới mẻ, hợp thời thế chứ không chỉ đơn thuần là phục dựng lại quá khứ hay tự bó hẹp mình trong truyền thống. Ví dụ như áo dài hay áo bà ba, nếu có làm tôi cũng muốn làm sao cho những trang phục này trông thời thượng, sành điệu mà ngay cả người nước ngoài cũng muốn mặc, mà không phải bởi họ muốn mặc đồ truyền thống Việt Nam, mà đang mặc một thiết kế đương đại lấy cảm hứng từ trang phục dân tộc của ta.
- Cá nhân anh đánh giá như thế nào về cách giới thời trang quốc tế nhìn nhận nền thời trang của Việt Nam trong thời điểm hiện tại?
- Sau hai lần triển lãm trước, tôi thấy rằng họ có cái nhìn khá tích cực đối với không chỉ tôi mà cả với nền thời trang trong nước - giàu tiềm năng, nhiều cơ hội phát triển, nhanh nhạy với các xu hướng mới, có nhiều giá trị văn hoá đặc sắc để tạo nên bản sắc riêng nếu so sánh với thế giới. Tuy nhiên như mọi người cũng biết, họ chưa đánh giá cao hệ thống giáo dục của các trường về thiết kế thời trang trong nước, cũng như chúng ta còn rất nhiều điều phải thay đổi thì mới có thể nghĩ đến việc tiến lên đẳng cấp chuyên nghiệp, chứ chưa nói đến chuyện tạo dấu ấn riêng giữa thị trường thời trang quốc tế.
- Yếu tố nào theo anh sẽ giúp các NTK trong nước có thể thành công ở thị trường nước ngoài?
- Như tôi đã chia sẻ, để được nước ngoài ghi nhận thì chúng ta phải thực sự tốt ở trong nước đã. Để được có tên trong danh sách NTK chính thức của một trang web thời trang quốc tế thì bản thân NTK đó phải có một sự nghiệp đáng kể ở trong nước, có tên tuổi được công nhận bởi những đơn vị truyền thông uy tín, tổ chức thường niên bao nhiêu BST, tham gia những chương trình nào, độ phủ sóng trong giới ở mức độ nào… Chứ nếu chỉ mang vài BST đi trình diễn rồi mang về thì chúng ta chỉ mới dừng ở mức giao lưu gặp gỡ. Nói như vậy không có nghĩa là NTK Việt Nam không có cơ hội, nhưng phải biết tự tạo cơ hội cho chính mình bằng chính năng lực cá nhân và cách làm việc bài bản nghiêm túc.
- Là một người thường xuyên đảm nhiệm vị trí giám khảo của các cuộc thi thiết kế thời trang trong nước, hiện tại là chương trình Project Runway Vietnam, cảm nhận của anh về các thí sinh thế hệ đàn em, những đồng nghiệp của anh trong tương lai như thế nào?
- Điểm chung của các bạn trẻ tôi từng tiếp xúc là đam mê, tài năng, khao khát thành công và mạnh dạn hơn thế hệ chúng tôi thời chúng tôi ở tuổi các bạn. Đó là điều tốt, tuy nhiên chưa đủ bởi nếu các bạn muốn trở thành NTK thời trang thực thụ, sống được với nghề, thì phải có cách hiểu đúng đắn về lĩnh vực này. Tôi thấy rất nhiều bạn có cách nghĩ chưa đúng, hoặc chỉ đúng một phần mà thiếu đi định hướng lâu dài cho con đường mình đang đi.
Thời trang không chỉ là công việc cắt may tạo ra những bộ cánh đẹp mắt, nghệ thuật, mà còn là một ngành kinh doanh phục vụ khách hàng. Ngoài tài năng, kỹ thuật, các bạn phải chuẩn bị tâm lý cho những yếu tố bổ trợ cho công việc sau này, và xác định rõ mình muốn trở thành ai, như thế nào, sau bao lâu. Thiếu định hướng đúng, bạn sẽ chỉ dừng lại ở một người làm đồ giỏi, đẹp và thế thôi. Tôi rất vui khi các bạn trẻ luôn nhận mình rất đam mê thời trang và quyết tâm theo đuổi đam mê đó đến cùng. Tôi chỉ nhắc các bạn phải nhớ tìm ra cách để sống với đam mê của mình nữa, chứ nói suông thì rất dễ, có làm thực sự mới thấy khó, khó mà không bỏ mới có thể thành công.
- Liệu có phải những cuộc thi thiết kế thời trang trong nước ở thời điểm hiện tại là cánh cửa duy nhất mở đường cho các bạn trẻ trở thành NTK chuyên nghiệp?
- Đó cũng là một trong những cách nghĩ mà theo tôi là chưa đúng của nhiều người. Các cuộc thi chỉ là cơ hội để các bạn “thử lửa”, xem đam mê mình đến đâu, khả năng mình đến đâu, kỹ năng nào của mình chưa tốt, còn thiếu sót điều gì… Rồi sau cuộc thi, dù là có hay không có danh hiệu, mình phải nghĩ đến việc phát triển ra sau, duy trì phong cách nào, thu thập thêm kinh nghiệm, kiến thức gì, cần sự hỗ trợ từ những ai, như thế nào? Không cuộc thi nào có trách nhiệm đồng hành với bạn sau khi bạn ra khỏi đó, mà chính mỗi người phải ý thức được điều cần làm để tiếp tục sống với nghề. Như vậy lúc đó, các bạn trẻ sẽ thấy rằng còn nhiều cánh cửa cần mở chứ không chỉ một.
- Sau chuyến đi Italy, anh có kế hoạch nào đặc biệt?
- Khi trở về sau chuyến đi tôi sẽ giới thiệu lại BST Sự thuần khiết của nước với các khán giả thời trang trong nước, đồng thời chuẩn bị cho show diễn của thương hiệu thời trang nam mới ra mắt trở lại trong năm nay. Ngoài ra tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng các thí sinh trong Project Runway cho đến đêm chung kết trực tiếp.
Tư liệu: Thanh Nhật