Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty bán 'đôi tai' ở Hà Nội đứng trước nguy cơ phá sản

Gây sốt với mô hình "chỉ lắng nghe, không phán xét" nhưng Vũ Đức Anh thừa nhận công ty đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động sau 3 tháng vận hành.

Need A Friend gây sốt mạng với dịch vụ mới mẻ.

Cách đây 3 tháng, trước màn hình cuộc gọi Zoom, Minh Trang* (sinh năm 1997) một lần nói hết những tâm tư nặng trĩu khi vừa bị nhóm bạn thân quay lưng, stress vì công việc gặp nhiều bất ổn. Phía bên kia, Vũ Đức Anh - founder của Need A Friend và là “lắng nghe viên” của dịch vụ đặc biệt - im lặng tiếp nhận tất cả, không đưa bất kỳ quan điểm cá nhân nào.

“Với tôi, đó là trải nghiệm thoải mái và tuyệt vời. Tôi được nói ra nỗi lòng giấu kín bấy lâu, đặc biệt đối phương không hề phán xét hay cố gắng khuyên nhủ”, Trang bày tỏ. Vô tình biết đến “dịch vụ lắng nghe” qua bài đăng trên mạng, cô gái 28 tuổi nói rằng cuộc trò chuyện đã giúp phần nào giải tỏa cảm xúc bị dồn nén.

Được lắng nghe trở thành khao khát của nhiều người trẻ giữa những áp lực cuộc sống. Tuy nhiên, sợ bị đánh giá, đổ lỗi ngược khiến không ít người giữ kín tâm sự trong lòng. Đó là ý tưởng và động lực khiến Vũ Đức Anh (sinh năm 1997) sáng lập ra Need A Friend - dịch vụ lắng nghe khách hàng trải lòng.

Người lắng nghe cũng quá tải cảm xúc

Từng có thời gian học tập và sinh sống ở một số nước khác nhau như Anh, Singapore và Malaysia, Đức Anh về nước và thành lập dịch vụ lắng nghe vào tháng 3/2025.

dich vu lang nghe anh 1

Đức Anh cho biết lắng nghe không phải kỹ năng đơn giản, nhiều khi anh cũng quá tải cảm xúc khi tiếp nhận thông tin nặng nề.

“Ý tưởng ban đầu đến từ nhu cầu cá nhân. Và chính việc chứng kiến bạn bè, người thân xung quanh cũng có nhu cầu tương tự đã thôi thúc tôi biến nó thành một dịch vụ thật sự. Nhu cầu lắng nghe và được hiểu là một điều rất con người, rất phổ biến trong xã hội hiện đại”, anh nói.

Trước khi mở công ty, Đức Anh cũng khảo sát thử phản ứng của mọi người xung quanh và trên mạng xã hội. Mô hình còn rất mới ở Việt Nam, chưa tìm thấy dịch vụ nào hoạt động theo đúng hướng này nên anh quyết định tự làm từ đầu.

Founder này xác định rõ giới hạn dịch vụ chỉ đơn thuần là lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và trò chuyện như một hình thức giải trí cảm xúc - giúp người dùng cảm thấy nhẹ lòng, bớt cô đơn, có người bên cạnh.

Công ty của anh không nhận tư vấn trị liệu tâm lý, không chẩn đoán, không can thiệp điều trị. Bảo mật thông tin khách hàng: Mọi nội dung chia sẻ được cam kết không tiết lộ, lưu trữ an toàn theo tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu.

Lắng nghe là kỹ năng rất khó và Đức Anh cảm nhận rõ điều này qua những lần làm việc. Với khách hàng tìm đến dịch vụ, họ có nhu cầu chia sẻ mọi áp lực cuộc sống, từ mâu thuẫn gia đình, đến khúc mắc trong mối quan hệ, suy sụp về tinh thần. Có những ngày, anh lắng nghe nhiều chuyện nặng nề, tâm trí không tránh được mệt mỏi và cảm thấy trống rỗng.

“Tôi tự cân bằng bằng cách viết nhật ký, đi bộ, nghe nhạc nhẹ, và thường xuyên nói chuyện với bạn bè. Quan trọng nhất là phải nhắc bản thân rằng ‘Mình ở đây để giúp họ nhẹ lòng, không phải gánh thay’”, anh tâm sự.

Anh nói rằng lắng nghe là một kỹ năng, không phải bản năng. Ai cũng có thể tập nghe, nhưng để làm nghề đòi hỏi sự rèn luyện, khả năng tự kiểm soát cảm xúc, đạo đức nghề nghiệp và quan trọng nhất là tôn trọng tuyệt đối trước câu chuyện của người khác.

dich vu lang nghe anh 2

Đức Anh có thể gặp trực tiếp khách hàng hoặc lắng nghe online.

Quen biết Đức Anh cách đây một năm, và trở thành một trong những người đầu tiên trải nghiệm dịch vụ lắng nghe, Hoàng Anh* (24 tuổi) cho biết rất thoải mái và nhẹ lòng khi được “xả cảm xúc”. Gặp gỡ Đức Anh ở một quán cà phê ở Cầu Giấy, trong 30 phút cô chia sẻ về khủng hoảng khi bị công ty layoff, anh chỉ lắng nghe mà không đưa ra lời khuyên nào.

“Trước đây, tôi cũng có tâm sự những vấn đề này với một số bạn bè, người thân. Nhưng khi nghe kể, họ thường đưa ra nhận định và lời khuyên trên quan điểm cá nhân. Với dịch vụ này, đối phương im lặng tiếp nhận khiến tôi cảm thấy mình thực sự được lắng nghe và chấp nhận”, Hoàng Anh bày tỏ.

Đứng trước nguy cơ phá sản

Sau 3 tháng đi vào hoạt động, với giai đoạn đầu miễn phí, hiện dịch vụ lắng nghe của Need A Friend có mức phí 300.000 đồng/1 tiếng (đã bao gồm VAT). Bên cạnh đó còn có nhiều gói theo ngày (2 triệu đồng/8 tiếng), theo tháng (70 triệu đồng), theo năm (870 triệu đồng).

Đức Anh thừa nhận mô hình quá mới mẻ và lượng khách rất ít đang đẩy công ty vào khủng hoảng, có nguy cơ phá sản, phải dừng hoạt động vào cuối năm 2025. Khó khăn lớn nhất cũng đến từ chi phí vận hành: thuê địa điểm, marketing, nhân sự. Hiện ngoài anh, chỉ có một kế toán.

Hiện công ty có 2 chi nhánh ở Phú Thọ và Hà Nội. Sau khi dịch vụ được lan truyền trên mạng, số lượng khách hàng tìm đến Need a Friend có tăng lên nhưng không đáng kể, khoảng 2%. Trước nguy cơ dừng hoạt động, Đức Anh vẫn đang nghiên cứu để tăng chất lượng dịch vụ.

dich vu lang nghe anh 3

Lượng khách hạn chế, chi phí vận hành cao đang khiến công ty của anh rơi vào khủng hoảng.

“Dù thu chưa đủ bù chi, tôi vẫn cố gắng duy trì bằng tài chính cá nhân và đi làm thêm để bù lỗ. Tôi điều chỉnh bằng cách giảm chi phí cố định, tăng dịch vụ online và triển khai dịch vụ đặc biệt như ‘Need a Friend Ride’ - lắng nghe trên ôtô công ty, kết hợp thư giãn và trò chuyện”, anh chia sẻ.

Anh nhận thấy tiềm năng phát triển dịch vụ lắng nghe ở Việt Nam, nơi người trẻ ngày càng cô đơn. Tuy nhiên, họ vẫn có rào cản vì tâm lý ngại mở lòng.

Trong thời đại công nghệ, các công cụ AI (như Chat GPT) đã được nhiều người sử dụng như một người bạn, thậm chí người yêu để tâm tình. Tuy nhiên, Đức Anh không quá lo ngại điều này. Anh đánh giá AI rất giỏi về mặt kỹ thuật, nhưng không thể thay thế sự đồng cảm thật từ một con người.

“Nhiều khách hàng của tôi từng thử trò chuyện với AI và thấy nó “trôi tuột”, thiếu hơi ấm. Tôi từng test thử AI, nhưng nó không thay thế được ánh mắt, nét mặt, sự im lặng đúng lúc hay cảm xúc thật của con người. Con người vẫn cần kết nối thật, một ánh mắt, một câu hỏi nhẹ nhàng, một cái gật đầu cảm thông, đó là điều AI không thể thay thế”, anh bày tỏ.

*Tên của nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư.

'Thế hệ lo âu'

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.

Vợ chồng lục đục vì pickleball

Thấy anh Long thường xuyên đánh đôi với người khác, chị Thảo tỏ ra khó chịu. Hai vợ chồng "chiến tranh lạnh" một tuần trước khi ngồi lại nói chuyện với nhau.

Đào Phương

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm