Nhiều công ty Hàn Quốc đang tìm cách giúp nhân viên tìm bạn đời. Ảnh: New York Times. |
Tại Hàn Quốc, Maeil Holdings, LG Household & Health Care, KT và Woori Card là những công ty đang kết hợp với chính quyền thành phố Seoul để lên kế hoạch tổ chức một sự kiện mai mối độc đáo cho nhân viên công ty mình.
Sự kiện mang tên “Nanum Solo” sẽ diễn ra tại Ganghwa-gun, thành phố Incheon. Được chủ trì bởi công ty KT, sự kiện nhận được hơn 100 đơn đăng ký từ ngày 22 đến 26/7. Ban tổ chức dự định chọn ra 15 nam và 15 nữ độc thân ở độ tuổi 30, 40 cho chương trình. Sự kiện sẽ bao gồm hoạt động tình nguyện tại các trang trại địa phương và nhiều hoạt động giải trí khác, theo Chosun.
Chương trình chi tiết vẫn đang được hoàn thiện song "Nanum Solo" lấy cảm hứng từ chương trình mai mối nổi tiếng "I Am Solo". Theo đó, những người tham gia sẽ sử dụng biệt danh, cùng tham gia hoạt động tình nguyện vào buổi sáng và có thời gian trò chuyện với những người họ thấy thú vị vào buổi chiều.
Sự kiện sẽ kết thúc bằng việc người tham gia tiết lộ tên thật với nhau và có khả năng tạo thành cặp đôi.
Chương trình hẹn hò cho nhân viên được chính công ty tổ chức. Ảnh: KT. |
Đơn vị tổ chức sẽ xem xét kỹ các đơn đăng ký để tuyển chọn người tham dự, bao gồm thông tin chi tiết về công việc, sở thích, kỹ năng đặc biệt và lý do tham gia cùng ảnh chụp chân dung.
Các nhân viên cũng có thể giới thiệu những đồng nghiệp chưa lập gia đình tham gia chương trình bằng cách cung cấp tên đồng nghiệp, công ty, phòng ban và lý do giới thiệu mà không cần ảnh. Sau đó, ban tổ chức sẽ tiếp cận những cá nhân được giới thiệu thông qua người đề cử.
"Sự kiện này vừa đóng góp cho xã hội, vừa thúc đẩy tinh thần nhân viên, mang lại cơ hội nạp năng lượng cho những nhân viên chưa lập gia đình của chúng tôi. Nếu nó còn kết duyên được cho họ nữa thì thật tuyệt vời", đại diện của một trong những công ty tham gia sự kiện cho biết.
Sáng kiến của các công ty này nhằm khuyến khích hẹn hò và kết hôn giữa các nhân viên, thay vì chỉ tập trung vào các chế độ phúc lợi truyền thống dành cho nhân viên đã lập gia đình. Đây cũng được coi là một phản ứng trước tình trạng tỷ lệ kết hôn liên tục giảm ở Hàn Quốc, kéo theo tỷ lệ sinh thấp và thu hẹp thị trường lao động.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc công bố vào tháng 6, cứ 5 người trẻ độ tuổi 19-34 ở xứ kim chi thì có khoảng 4 người chưa kết hôn. Tỷ lệ chưa kết hôn ở nam thanh niên tăng từ 62,4% năm 2000 lên 81,5% năm 2020, và ở nữ thanh niên tăng từ 47,2% lên 76,8%. Tổng số cuộc hôn nhân cũng giảm đều đặn từ 388.960 năm 1997 xuống còn 191.690 năm 2022.
Để ứng phó, các công ty xứ củ sâm không chỉ tăng cường phúc lợi cho nhân viên có con mà còn tăng cường phúc lợi cho những người đã kết hôn và đang tích cực thúc đẩy văn hóa hôn nhân. Kể từ năm 2020, ngoài quà cưới, Ngân hàng Kookmin tặng thêm nhiều gói hỗ trợ cho nhân viên; Tập đoàn Golfzon Newdin hỗ trợ chi phí đám cưới và có nhiều chương trình khuyến khích kết hôn. Từ tháng 8, Tập đoàn Tài chính Woori còn tặng các gói tổ chức đám cưới miễn phí cho các nhóm yếu thế về mặt xã hội.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.