Theo Reuters, da cá hồi bị bỏ đi trong các nhà hàng đang là nguồn nguyên liệu chiến lược của công ty Ictyos (có trụ sở tại Pháp) để tạo ra nhiều mặt hàng thời trang cao cấp. Bên cạnh việc giảm thiểu chi phí, ý tưởng này còn mang đến lợi ích thiết thực về bảo vệ môi trường.
Tuy có nguồn gốc lâu đời, biến da cá thành da thuộc vẫn còn ở giai đoạn đầu tiên ở nền công nghiệp thời trang. Trong khi nhiều người dân trên thế giới đã sử dụng da cá làm trang phục từ lâu, loại nguyên liệu này vẫn chưa được nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ quan tâm.
Ictyos sử dụng da cá hồi cho nhiều sản phẩm thời trang. Ảnh: Reuters. |
Vì thế, 3 chàng trai đứng đằng sau Ictyos muốn góp phần thay đổi ngành thời trang bằng chính nguồn nguyên liệu rẻ và hiệu quả như da cá hồi.
"Da cá hồi có độ dẻo dai và tinh xảo. Dù dày chưa đến 0,5 mm, nó lại có độ bền gần tương đương với da bò", Benjamin Malatrait - một trong 3 người đồng sáng lập Ictyos - cho biết.
Ngoài ra, theo Benjamin, hoa văn trên da cá hồi cũng khá lạ so với những loại động vật hiện nay. Da thuộc từ cá hồi còn có thể sử dụng đa dạng trong nhiều sản phẩm, từ quần áo đến phụ kiện.
Sau khi được xử lý, da thuộc từ cá hồi có độ bền và tinh xảo không kém những loại da thông thường khác. Ảnh: Reuters. |
Tại xưởng trưng bày của công ty, Ictyos trưng bày nhiều ứng dụng từ da thuộc cá hồi tự sản xuất như ví, thắt lưng… Sau khi được xử lý chuyên dụng, da cá hồi sẽ được phun màu tùy theo yêu cầu để đảm bảo tính thẩm mỹ.
Trước đây, Ictyos từng nằm trong dự án khởi nghiệp do gã khổng lồ thời trang LVMH tổ chức. Đến nay, công ty có hợp đồng làm việc với 250 khách hàng, bao gồm nhiều thương hiệu lớn và các nhà sản xuất thủ công. Ở đó, sản phẩm của Ictyos chủ yếu sẽ được sử dụng trong dây đồng hồ, túi xách và quần áo.
Ictyos không phải công ty đầu tiên có ý tưởng làm đồ da từ rác thải thực phẩm. Trước đó, doanh nhân trẻ người Indonesia Nurman Farieka Ramdhany cũng từng sử dụng da chân gà làm nguyên liệu sản xuất giày.