South China Morning Post đưa tin Asia Starry Sky Group đã thông báo Ban nhạc thiếu niên Tianfu gồm 7 học sinh tiểu học (từ 7 đến 11 tuổi) sẽ được đổi tên thành Đoàn nghệ thuật trẻ em Panda. Tuy nhiên, nhóm vẫn giữ tên tiếng Anh là Panda Boys.
Đại diện Asia Starry Sky Group tuyên bố ngày 24/8: "Chúng tôi không xây dựng Panda Boys thành nhóm nhạc thần tượng để kiếm tiền hoặc có fandom, mà đơn giản chỉ là nhóm trẻ em thích ca hát và nhảy múa, cùng nhau tạo nên điều ý nghĩa. Các em đều khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần, sống có lý tưởng, đam mê học tập và khám phá nền văn hóa".
Người này nói thêm rằng nhóm chỉ sử dụng ca từ tích cực và mang tính cổ vũ, với sự kết hợp của thể loại opera truyền thống ở Tứ Xuyên.
Nhóm nhạc Panda Boys gồm 7 thành viên nhỏ tuổi. Ảnh: South China Morning Post. |
Trước đó, ngày 20/8, Panda Boys có showcase ra mắt ở Thành Đô, Trung Quốc. Màn chào sân của nhóm bị khán giả kịch liệt phản đối vì các thành viên còn quá nhỏ tuổi.
Một dùng người Weibo viết: "Chúng tôi không cần công ty đào tạo trẻ em. Đó là nhiệm vụ của trường học và gia đình". Người khác bức xúc: "Những đứa trẻ chỉ độ 8 tuổi? Làm ơn, hãy để lũ trẻ tập trung vào bài vở ở trường".
Trong động thái khác, hàng loạt kênh truyền thông xứ Trung bày tỏ lo ngại về nhóm nhạc này. Họ thúc giục cơ quan chức năng thực thi những quy định nghiêm ngặt đối với ngành công nghiệp giải trí để đẩy lùi tình trạng sử dụng lao động trẻ em.
"Lượng lớn trẻ em được đưa đi đào tạo làm thần tượng đã phản ánh thực tế bọn trẻ dần rời bỏ trường lớp và không gian học tập bình thường. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của chúng" - một tạp chí Trung Quốc đưa ra bình luận.
Giới giải trí Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc và các nhóm nhạc trẻ như TFBoys đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, độ tuổi ngày càng trẻ của thần tượng và người hâm mộ của họ, cũng như văn hóa hâm mộ ngày càng phức tạp đã khiến các bậc phụ huynh lo ngại.