Vào buổi tối huyền ảo ngày 11/6 tại sân vận động Luzhniki ở trung tâm thành phố Moscow, tiếng còi vang lên giữa hàng vạn người hâm mộ cuồng nhiệt, và đó là thời điểm giải đấu bóng đá lớn nhất được khởi tranh, World Cup 2018 chính thức bắt đầu.
Nhưng đây không phải là tất cả. Vào mùa hè năm sau, còn có một giải vô địch túc cầu thế giới nữa diễn ra. Rời xa nước Nga của bánh mỳ và búp bê Matroyshka, chúng ta đến với thủ đô London hiện đại và nhiều màu sắc.
Từ ngày 31/5 đến 9/6, tại thủ đô của xứ sương mù, nơi được cho là linh hồn của bóng đá, 16 đội bóng đến từ các dân tộc thiểu số, không quốc tịch, khu vực không thuộc FIFA sẽ tranh tài tại một giải đấu mang tên CONIFA World Football Cup.
12 đội bóng tại CONIFA World Football Cup 2016. Ảnh: CONIFA. |
Khi bóng đá dành cho toàn thế giới
Trước kia những giải đấu dành cho các khu vực không thuộc FIFA được điều hành bời một tổ chức có tên Liên đoàn bóng đá mới (New Football Federation Board). Với nỗ lực của mình, liên đoàn này đã tổ chức thành công 5 giải vô địch bóng đá có tên gọi VIVA World Cup.
Ngày càng được biết đến rộng rãi và tại giải đấu cuối cùng của mình, VIVA World Cup 2012 có tới hơn 22.000 người trực tiếp đến sân theo dõi trận chung kết.
Tiếp tục sứ mệnh khi Liên đoàn bóng đá mới giải thể, CONIFA (Confederation of Independent Football Associations, tạm dịch Liên đoàn các Hiệp hội bóng đá độc lập) cũng tạo nên một kỳ World Cup cho riêng mình, tổ chức 2 năm một lần, để mọi khu vực trên thế giới được sống trọn trong niềm đam mê với trái bóng.
Chủ tịch Per-Anders Blind của CONIFA. Ảnh: Spor Yeni. |
Năm 2014, trong giải vô địch thế giới đầu tiên của mình, CONIFA World Football Cup có sự tham dự của 12 đội bóng và tất cả trong số đó đều sở hữu cái tên nghe lạ lùng so với đa số. Đó là những Arameans Suryoye, Padania hay Tamil Eelam.
Và từ County of Nice (khu vực nằm ở miền Nam nước Pháp, đang đấu tranh giành quyền tự chủ) đến Ellan Vannin (vùng tự trị thuộc Hoàng gia Anh), CONIFA đã mang thế giới lại gần nhau hơn bởi bóng đá.
Tại CONIFA World Football Cup 2014, vẫn có những sự chênh lệch khủng khiếp như cách Padania hủy diệt Darfur 20-0 ở vòng bảng nhưng với những người đứng đầu giải đấu, họ hiểu rằng mọi đội bóng đã làm hết sức mình, vì niềm tự hào riêng và vì “một nền bóng đá không biên giới”.
Và phần thưởng đôi khi đến bất ngờ. Darfur đã được Thụy Điển đồng ý cho tị nạn chiến tranh sau giải đấu đáng nhớ năm 2014.
Chủ tịch của tổ chức, ông Per-Anders Blind chia sẻ về lý do thành lập CONIFA: “Tôi được sinh ra và nuôi dưỡng trong một cộng đồng người thiểu số và từng phải chịu cảnh phân biệt. Vì thế, tôi bỏ tiền bạc và danh tiếng của mình để đảm bảo rằng mọi người không còn phải chịu cảm giác đó nữa”.
Các khán giả đến sân xem CONIFA World Football Cup. Ảnh: CONIFA. |
Abkhazia và niềm tin vào sức mạnh của trái bóng
Abkhazia nằm ở phía Tây Nam của dãy Kavkaz, họ tự coi mình là một quốc gia độc lập nhưng vấp phải sự phản đối của Gruzia cũng như phần đông các chính phủ trên thế giới.
Nhưng với CONIFA, bóng đá và chính trị là hai mệnh đề riêng rẽ, và vì thế, kỳ World Cup thứ hai vào năm 2016 của giải đấu đã được diễn ra trên vùng lãnh thổ có hơn 240.000 dân.
Với những sân bóng cổ kính được tân trang kỹ lưỡng, vùng đất lâu đời phía đông biển Đen đã tổ chức một vòng chung kết vô cùng thành công và đội chủ nhà sau đó lên ngôi vô địch. Đến nay, Abkhazia là đội bóng sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo nhất tại CONIFA.
“Sau khi tiếng còi kết thúc vang lên, một người phụ nữ lớn tuổi đã đến bên tôi và nói rằng vô địch CONIFA World Cup là chiến tích mà họ sẽ không bao giờ quên”, Tổng thư ký của giải, Sascha Duerkop hồi tưởng trên tờ The Set Pieces.
Hình ảnh trước trận Abkhazia gặp Padania tại CONIFA World Football Cup 2016. Ảnh: CONIFA. |
Với tôn chỉ “tự do chơi bóng”, “phát triển cùng bóng đá” hay “nối liền khoảng cách”, thông điệp được CONIFA truyền đi mạnh mẽ và chắc chắn, không hề thua kém FIFA, tổ chức sở hữu giải đấu World Cup trong tay.
Và tại mùa hè này ở London, lần đầu tiên giải vô địch thế giới của CONIFA có sự góp mặt của những đội bóng đến từ năm châu lục trên thế giới bao gồm: châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Sứ mệnh của CONIFA World Football Cup vẫn sẽ tiếp diễn - mang bóng đá đến mọi nơi trên thế giới”.
Tất nhiên, sẽ có một thứ không thay đổi, CONIFA World Football Cup không thể sinh lời dù chỉ một USD. Là tổ chức phi lợi nhuận, CONIFA cần tới sự giúp đỡ của những tình nguyện viên trên toàn thế giới và dòng tiền đến từ vị chủ tịch Per-Anders Blind. Vất vả nhưng ít ra Blind đã có được điều mình mong muốn.
“Với tôi, CONIFA là một dự án hòa bình. Chúng tôi có nhiệm vụ tạo một sân chơi cho những người bị quên lãng và các thành viên chưa được thừa nhận. CONIFA muốn cả thế giới biết đến họ, như bao người bình thường khác”, người đàn ông Thụy Điển cho biết.