Với số ca mắc Covid-19 đang tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới, phần lớn do biến chủng Omicron gây ra, nhiều người có thể thấy mất hy vọng về khả năng kết thúc đại dịch.
Nhiều chuyên gia quốc tế đồng ý rằng dịch Covid-19 có thể không chấm dứt, nhưng tin tốt là họ đều nhận định căn bệnh này sẽ không còn là đại dịch trong năm 2022, mà sẽ chuyển thành dịch bệnh đặc hữu thông thường, bất chấp sự lây lan của Omicron.
Virus sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm tới, nhưng mức độ lây truyền và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được. Căn bệnh sẽ trở thành một loại cúm thông thường, hơn là một căn bệnh mang đến sợ hãi cho toàn cầu, một phần là nhờ một tỷ lệ tương đối dân số toàn cầu đã có miễn dịch, và ngày càng có nhiều phương pháp điều trị triển vọng.
Dự đoán với Zing về tình hình dịch bệnh trong năm 2022, giáo sư Teo Yik Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nói: “Tôi khá lạc quan vào năm 2022, vì tôi mong đợi sẽ có sự phân phối công bằng hơn đối với vaccine và phương pháp điều trị Covid-19, và thế giới có thể bắt đầu phục hồi từ Covid-19”.
Đồng quan điểm, giáo sư Catherine Bennett - chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học tại Đại học Deakin, Australia - tin rằng “vaccine đã thay đổi cuộc chơi, cho phép chúng ta giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh”.
“Nó đã cho chúng ta hy vọng về một tương lai chắc chắn hơn. Chúng ta chỉ cần hiểu cách sống chung với virus, ngay cả khi Omicron trở thành chủng thống trị”, bà nói với Zing.
“Bức tường miễn dịch”
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron dường như ít gây bệnh nặng hơn các biến chủng trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn quá ít dữ liệu để đưa ra kết luận cuối cùng.
Ngay cả khi dữ liệu chứng minh điều đó, việc virus lây lan mạnh vẫn có thể dẫn đến sự gia tăng lớn số ca nhập viện và tử vong. Điều đó có thể gây căng thẳng thêm cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã gặp nhiều khó khăn.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Shah Alam, Malaysia, ngày 10/12. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, có rất nhiều hy vọng rằng “số lượng ca nhiễm tăng mạnh đang xây dựng khả năng miễn dịch ở cấp độ cộng đồng”. Joshua Michaud, Phó giám đốc phụ trách chính sách y tế toàn cầu tại Kaiser Family Foundation, cho biết điều đó rất quan trọng để ngăn chặn các làn sóng virus trong tương lai.
Ngoài ra, vaccine, đặc biệt là việc tiêm tăng cường, cũng đang góp phần vào việc “xây dựng một bức tường miễn dịch khá vững chắc”, ông nói.
“Một tỷ lệ đáng kể dân số thế giới đã có khả năng miễn dịch ở nhiều mức độ, từ việc nhiễm bệnh, từ vaccine, hoặc cả hai. Tỷ lệ này có lẽ không đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng chắc chắn đủ để giảm số trường hợp bệnh nặng”, Paul Hunter - giáo sư y khoa tại Trường Y Norwich thuộc Đại học East Anglia, Anh - nhận xét với Zing.
Trả lời Zing, phó giáo sư James Trauer - chuyên gia về mô hình dự báo dịch tễ học tại Đại học Monash, Australia, chia sẻ quan điểm tương tự, nói rằng ông tương đối lạc quan về tình hình dịch trong năm mới.
“Các biến chủng chính hiện nay có những đặc điểm tương tự nhau. Đặc biệt, chúng chỉ gây bệnh nhẹ ở trẻ em. Khả năng miễn dịch hoàn toàn với việc nhiễm virus chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng khả năng miễn dịch đối với các triệu chứng nặng, nguy hiểm thì kéo dài lâu hơn”, phó giáo sư giải thích.
Rất nhiều trẻ em đang tiếp xúc với virus, và như vậy, ông chỉ ra rằng “trẻ em đang bắt đầu xây dựng khả năng miễn dịch của mình ngay từ khi còn nhỏ”.
Điều này mang đến hy vọng rằng virus sẽ sớm chuyển sang trạng thái dịch bệnh đặc hữu và gây ra tương đối ít trường hợp tử vong, theo vị chuyên gia.
“Át chủ bài” giúp kết thúc đại dịch
Dù tin rằng con người đang xây dựng được “bức tường miễn dịch”, ông Michaud lưu ý rằng “đó là bức tường đối với các biến chủng mà chúng ta đã biết”.
Đây là lý do Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Saskatchewan ở Canada, nói rằng "yếu tố quyết định chính" cho việc kết thúc đại dịch là giúp toàn thế giới tiếp cận được vaccine càng sớm càng tốt.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 29/12 cũng đã nói rằng Covid-19 có thể kết thúc giai đoạn đại dịch trong năm 2022 nếu chiến dịch tiêm chủng của họ thành công.
“Tôi muốn các chính phủ, ngành nghề, và xã hội hợp tác với chúng tôi trong chiến dịch tiêm chủng cho 70% dân số ở mọi quốc gia vào đầu tháng 7. Tôi vẫn lạc quan, vì 2022 có thể là năm chúng ta không chỉ chấm dứt giai đoạn đại dịch mà còn vạch ra con đường để đảm bảo an ninh y tế mạnh mẽ hơn”, ông Tedros nói.
Thuốc viên Paxlovid điều trị Covid-19 của Pfizer. Ảnh: AP. |
Theo Our world in Data, cho đến nay, khoảng 58% dân số toàn cầu đã nhận được ít nhất một liều vaccine, trong đó có gần 49% người đã được tiêm phòng đầy đủ. Dẫu vậy, rất nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng dưới 10% dân số. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm tăng cường nhằm chống lại Omicron vẫn còn rất thấp trên toàn thế giới.
Vì vậy, hầu hết chuyên gia đều kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hành động để thu hẹp khoảng cách về vaccine giữa các nước.
Phó giáo sư Trauer khuyến nghị thế giới “nên suy nghĩ rộng hơn về cách giải quyết vấn đề tiếp cận vaccine công bằng trên toàn thế giới”.
“Tôi kêu gọi lãnh đạo của các quốc gia giàu có và nhà sản xuất vaccine học hỏi bài học từ các chủng Alpha, Beta, Gamma, Delta, và bây giờ là Omicron, để cùng nhau hợp tác nhằm đạt được tỷ lệ tiêm chủng 70%”, ông Tedros nói.
Ngoài vaccine, các chuyên gia cũng đặt hy vọng vào một “con át chủ bài” khác sẽ sớm có mặt trên toàn cầu.
Các loại thuốc điều trị mới như thuốc Paxlovid của Pfizer - gần đây đã được FDA Mỹ phê duyệt, và thuốc Molnupiravir của hãng dược Merck - cũng được FDA chấp thuận, có thể giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19.
Michaud nói: “Yếu tố quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh đặc hữu là thuốc kháng virus. Nếu có những công cụ đó, chúng ta sẽ ở vị thế rất khác khi bước vào năm 2022”.
Virus đang suy yếu?
Nhìn lại 2 năm đại dịch với hàng loạt biến chủng của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, và mới nhất là Omicron có khả năng lây lan mạnh, hầu hết chuyên gia đều nhìn thấy nguy cơ phát triển các biến chủng tiềm năng khác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng các biến chủng mới có thể có độc tính suy yếu dần.
“Tôi nghĩ Omicron sẽ nhanh chóng lây nhiễm cho hầu hết người trên thế giới. Sau đó chúng ta sẽ thấy các biến chủng khác, nhưng có lẽ chúng sẽ không nguy hiểm như Delta hay như Omicron”, giáo sư Hunter dự đoán.
Covid-19 có thể kết thúc giai đoạn đại dịch trong năm 2022 nếu thế giới thực hiện thành công mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu trước tháng 7, theo WHO. Ảnh: Daily Sabah. |
Giáo sư Bennett đồng ý và giải thích thêm: “Chúng ta đang thấy các đột biến giống nhau xuất hiện trong các biến chủng khác nhau trên khắp thế giới. Vì vậy, rất có thể các đột biến này là có giới hạn, và điều đó là một tin tốt. Có thể một số biến chủng nhất định đang đi đến cuối trong quá trình tiến hóa của nó, khi đó, những thay đổi tiếp theo có thể khiến chúng chết đi”.
“Bên cạnh đó, càng nhiều biến chủng mà chúng ta phát hiện và nghiên cứu, chúng ta càng hiểu rõ hơn về virus cũng như tiềm năng tiến hóa của nó. Điều đó sẽ giúp vẽ nên bức tranh về cách mà đại dịch này kết thúc”, bà nói.
Bà tin rằng Omicron có thể là bước quan trọng đầu tiên trên con đường dẫn đến một chủng virus mới có độc lực thấp hơn. Nó cũng có thể là tiền thân của những biến chủng lành tính hơn trong tương lai.
Dẫu vậy, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng ngược lại, và giải pháp tốt nhất cho kịch bản đó đến nay vẫn là vaccine.
“Bằng cách thực hiện thành công chiến dịch vaccine, tiếp tục tuân theo các biện pháp phòng bệnh hiện hành, và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất,… chúng ta có thể đưa Covid-19 ra khỏi giai đoạn đại dịch - giai đoạn của sự chết chóc và căng thẳng tại các bệnh viện”, tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, nói.