Liên quan đến việc cảnh sát cẩu chiếc Mercedes GLS đậu sai quy định trên xa lộ Hà Nội (quận 2, TP.HCM), Đội CSGT Cát Lái (PC08, TP.HCM) đã ra quyết định xử phạt 700.000 đồng đối với tài xế lái chiếc Mercedes GLS giá 5 tỷ với lỗi Dừng đỗ xe sai quy định và bàn giao ôtô cho chủ phương tiện.
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), cho biết khi công an cẩu xe đã tiến hành niêm phong toàn bộ ôtô để đảm bảo toàn vẹn tài sản bên trong.
"CSGT chỉ có trách nhiệm tạm giữ phương tiện, ngoài ra không tạm giữ bất cứ tài sản cá nhân nào khác của chủ xe. Khi niêm phong ôtô, nếu chủ phương tiện không mang tài sản cá nhân bên trong đi thì mọi thứ vẫn ở yên trong xe", ông Bình nói.
Vậy trong trường hợp tài sản của chủ xe bị mất mát thì làm thế nào để đòi bồi thường?
Không chịu trách nhiệm với tài sản trong xe
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định, khi xe có vi phạm thuộc trường hợp niêm phong, đưa xe về nơi tạm giữ thì CSGT có quyền niêm phong xe, thuê cẩu đưa xe vi phạm về nơi tạm giữ.
Thủ tục niêm phong gồm việc thông báo cho chủ, người đang quản lý phương tiện đến chứng kiến việc niêm phong. Nếu chủ xe, người quản lý không có mặt hoặc có mặt nhưng không hợp tác thì CSGT sẽ mời người làm chứng, đại diện chính quyền địa phương hoặc đại diện gia đình chứng kiến.
"Việc niêm phong phải bảo đảm an toàn, không thể tự ý hoặc dễ dàng bóc, gỡ giấy niêm phong có chữ ký của CSGT, chủ hoặc người quản lý xe, người chứng kiến. Biên bản niêm phong phải mô tả đặc điểm bên ngoài của xe, ghi nhận những dấu vết trầy, móp, hư hỏng bên ngoài nhìn thấy được. Đối với ôtô thông thường được dán niêm phong tại cửa xe, đảm bảo không được mở cửa, cốp sau, nắp capo trước đầu xe", luật sư nêu.
Đối với lỗi vi phạm không cần khám xét xe, CSGT không kiểm tra bên trong ôtô có những gì. Khi niêm phong đúng quy định và chặt chẽ thì tài sản, đồ đạc bên trong xe, nếu có xem như an toàn.
Người tự nhận là chủ phương tiện kiên quyết không xuống xe. Ảnh: An Huy. |
Tuy nhiên, nếu có chủ xe, người quản lý ôtô hoặc đại diện gia đình có mặt thì theo luật sư, cảnh sát nên yêu cầu họ tự lấy tài sản có giá trị ra khỏi xe trước khi niêm phong; đưa những vật dễ cháy nổ ra khỏi xe trước khi niêm phong.
Nếu chủ xe, người quản lý phương tiện, đại diện gia đình không lấy ra, thì CSGT vẫn được niêm phong ôtô, chỉ chịu trách nhiệm bảo quản chiếc xe và giấy niêm phong; không chịu trách nhiệm về tài sản trong xe.
Nếu để xe bị móp, trầy, mất mát bộ phận ngoài xe như gương chiếu hậu, bánh xe... thì CSGT có nghĩa vụ bồi thường. "Theo tôi biết, CSGT hiện nay rất thận trọng. Trước khi niêm phong xe, họ ghi hình cẩn thận bên ngoài xe, nhất là dấu vết trầy xước, hư hỏng, khác thường", luật sư Dũ nói.
Đến lúc trả xe, CSGT lại phải lập biên bản mở niêm phong, có chữ ký và xác nhận của những người đã ký tên lúc niêm phong; ghi nhận tình trạng giấy niêm phong có còn nguyên vẹn hay không, lý do không còn nguyên vẹn (nếu có dấu hiệu khác thường).
Chủ xe phải bảo quản tài sản bên trong
Theo luật sư Dũ, khi CSGT không kiểm tra, khám xét bên trong xe, đã niêm phong ôtô đúng quy định thì CSGT sẽ không phải chịu trách nhiệm về tình trạng đồ vật, tài sản bên trong xe cho đến thời điểm trả xe, nếu dấu niêm phong nguyên vẹn.
Chủ tài sản phải có trách nhiệm bảo quản tài sản của mình. Khi bị CSGT niêm phong xe thì chủ phương tiện nên đưa tài sản có giá trị ra khỏi ôtô bằng nhiều cách.
Nếu chủ tài sản cho rằng sau khi bị CSGT giữ xe, họ bị mất mát tài sản, yêu cầu bồi thường thì họ có quyền làm đơn khiếu nại, tố cáo. Nhưng họ phải chứng minh: Trong xe có tài sản mà họ cho là mất; CSGT không niêm phong, niêm phong bị tháo, gỡ; CSGT làm sai quy định nên dẫn đến hậu quả họ mất tài sản.
Tuy nhiên, nếu cố ý tố cáo sai sự thật thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống.
Tài xế bị phạt 700.000 đồng về lỗi Dừng đỗ xe sai quy định và bàn giao ôtô cho chủ phương tiện. Ảnh: An Huy. |
"Khi bị CSGT lập biên bản, người vi phạm hoặc người bị lập biên bản (có thể chưa đủ cơ sở hoặc không vi phạm) nên hợp tác. Sau đó, họ có quyền khiếu nại hoặc tố cáo nếu thấy CSGT làm sai, gây thiệt hại cho mình", luật sư khuyên.
Chiều 23/7, trong lúc kiểm tra phương tiện trên xa lộ Hà Nội, quận 2 (TP.HCM), Đội CSGT Cát Lái phát hiện chiếc Mercedes GLS đậu sai quy định. Lực lượng chức năng kiểm tra nhưng tài xế đóng cửa bỏ đi.
Một lúc sau, người đàn ông tên Cường xuất hiện, nhận là chủ chiếc xe và không chịu bước xuống làm việc.
"Anh không rời được, cái xe của anh là 5,2 tỷ. Bọn em (CSGT - PV) làm đúng pháp luật, em cẩu xe thì anh đồng ý. Tài sản của anh một đống đây, em bảo anh xuống xe, anh xuống làm sao được", người tên Cường nói khi cảnh sát yêu cầu anh ta rời phương tiện để cẩu xe về đồn.
"Nếu Trung (CSGT) cam kết chịu tất cả trách nhiệm liên quan đến tiền bạc của anh, xe của anh thì anh đồng ý. Xuống làm sao được, 5 tỷ mấy của anh làm sao xuống được", người tên Cường kiên quyết không xuống xe.
Sau đó, CSGT đã cưỡng chế, niêm phong ôtô và cẩu xe về đồn.