Theo Nghị định 19/2020 của Chính phủ, buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định có hiệu lực từ 31/3. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ được áp dụng từ 1/7.
Điều 29 của Nghị định này quy định công chức, viên chức sẽ bị buộc thôi việc khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền hay tài sản của người vi phạm.
Ngoài ra, buộc thôi việc còn áp dụng nếu công chức, viên chức có hành vi giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ của người vi phạm; chống đối đoàn kiểm tra, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho đoàn kiểm tra.
Các quy định trên được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong đó bao gồm cả lực lượng vũ trang, CSGT.
Năm 2018, Công an Hà Nội đã xử lý 20 CSGT liên quan vụ nhận tiền mãi lộ. Ảnh cắt từ clip. |
Nghị định 19 còn đề ra các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức nói chung và lực lượng CSGT nói riêng với mức độ kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương đến giáng chức và cách chức nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình làm nhiệm vụ.
Một số hành vi vi phạm khác cũng bị xử lý gồm bỏ qua lỗi của người vi phạm mà không xử phạt hoặc xử phạt không nghiêm khắc; can thiệp trái luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; kéo dài thời gian xử phạt; sử dụng tiền thu được từ việc nộp phạt vào mục đích cá nhân; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động vào việc kiểm tra...